Kinh tế

Bị xâm phạm quyền lợi: Vì sao người tiêu dùng "im lặng và bỏ qua"

Mặc dù có 70% số người tiêu dùng được hỏi có biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) và 71% số người trả lời biết các quyền lợi cơ bản của NTD nhưng vẫn có tới có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “Im lặng và bỏ qua sự việc” khi bị xâm phạm quyền lợi.

(Ảnh minh hoạ).


Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tiến hành khảo sát ý kiến, nhận thức của 3.000 người tiêu dùng (NTD) tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả khảo sát cho biết, có tới hơn một nửa số NTD (56%) tham gia khảo sát trả lời từng bị xâm phạm quyền lợi trong khoảng thời gian từ 2011-2015.

Trong đó, nhóm hàng hóa, dịch vụ được NTD phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua gồm: Thực phẩm, nước giải khát (19,69%); Đồ điện tử, gia dụng (13,05%); Hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (12,88%); Điện thoại, viễn thông (9,17%); Du lịch, nhà hàng (5,6%), Y tế, chăm sóc sức khỏe (5,29%).

Đa phần NTD phản ánh bị xâm phạm quyền lợi khi chất lượng không đảm bảo (25%); Bị quấy rối thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn (18%); Gian lận về đo lường (16%); Gian lận về xuất xứ (12%); Gian lận về thời hạn sử dụng (10%); Không cung cấp hóa đơn, chứng từ mua hàng (8%); Không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành (7%)...

Mặc dù có 70% số NTD được hỏi có biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và 71% số người trả lời biết các quyền lợi cơ bản của NTD nhưng vẫn có tới có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “Im lặng và bỏ qua sự việc” khi bị xâm phạm quyền lợi.

Trong đó, đáng lưu ý, những người chọn “Im lặng, bỏ qua sự việc” với các lý do chủ yếu như: Giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%); Cho rằng thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp (22,05%); Cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết (15,92%); Vì không biết đến quy định pháp luật có liên quan (11,1%); Vì không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho NTD (10,75%)…

Ngoài ra, cũng có không ít người dùng chưa tìm đến các cơ sở pháp lý, cơ quan chức năng để giúp hỗ trợ giải quyết tranh chấp hay bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể, có đến 53,6% số người dùng được hỏi chưa từng liên hệ với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Có khoảng 23,43% NTD đã liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD và 14,7% đã liên hệ với các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, cùng 8,27% liên hệ với các cơ quan, tổ chức khác.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP