Gia tăng trẻ mắc Adenovirus
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày.
Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Trong thời gian từ 12 đến 18-9, bệnh viện chỉ ghi nhận 168 ca mắc, nhưng từ 26-9 đến 2-10 đã ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ nhiễm virus này. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi. Riêng bệnh nhân có địa chỉ tại Hà Nội chiến tới hơn 70% tổng số bệnh nhân.
Điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Theo PGS Điển, số ca mắc mới, ca nặng chưa dừng lại dù tốc độ gia tăng có dấu hiệu đi ngang. Hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho khoảng 300 ca mắc Adenovirus, trong đó hơn 40 ca nặng, nguy kịch với 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ôxy. Bệnh nhi nhiễm Adenovirus có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.
Liên quan đến 9 ca tử vong do Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS Điển cho biết có 4 trẻ mắc bệnh nền như: Tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng… 3 bệnh nhân mắc bệnh cấp tính, đồng nhiễm các virus, vi khuẩn khác.
"Sáng 3-10, bệnh viện ghi nhận một ca tử vong là trẻ 13 tháng tuổi có tiền sử khỏe mạnh, không bệnh nền. Trẻ có tổng thời gian điều trị, thở máy gần 50 ngày, giai đoạn cuối được điều trị theo hướng xơ phổi, bội nhiễm"- PGS Điển nói.
Tương tự, tại Khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, gần 50% số trẻ đang điều trị tại đây được xác định là nhiễm Adenovirus, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Đến nay bệnh viện này ghi nhận 84 ca, tuần qua có 57 ca điều trị nội trú, với 5 ca nặng, nguy kịch phải hỗ trợ hô hấp.
Số ca mắc Adenovirus gia tăng trong thời gian gần đây |
Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 24 đến 30-9 ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adenovirus. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ. Tại các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về, hoặc từ các bệnh viện tư nhân.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết đến nay Hà Nội ghi nhận hơn 2.300 bệnh nhân nhiễm Adenovirus, có 16% bệnh nhân đang điều trị.
Không xét nghiệm tràn lan Adenovirus
Chiều 3-10, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus. Tại đây, các chuyên gia cho rằng việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ, không xét nghiệm tràn lan.
PGS Điển lưu ý việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ, không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi mới nên làm.
Đánh giá về tình trạng người dân đổ xô đi xét nghiệm cho con vì lo ngại mắc Adenovirus, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc cha mẹ thấy con hơi ho sốt đã đưa đi xét nghiệm Adenovirus là điều không nên, vì vừa tốn kém vừa không mang lại nhiều ý nghĩa trong điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo không xét nghiệm tràn lan Adenovirus ở trẻ em |
PGS Dũng cũng lưu ý để đọc được kết quả xét nghiệm, các bác sĩ còn phải dựa trên tình trạng bệnh hiện tại để chuẩn hóa kết quả xét nghiệm. Đó là còn chưa kể đến nguy cơ xét nghiệm sai gây dương tính giả (không nhiễm Adenovirus nhưng kết quả dương tính) hoặc âm tính giả (nhiễm Adenovirus nhưng kết quả âm tính). Đặc biệt với các xét nghiệm nhanh, độ nhạy và độ đặc hiệu không cao.
"Adenovirus là một virus rất cổ điển, thế giới đã biết từ lâu. Nó là một trong rất nhiều loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp. Adenovirus chủ yếu chỉ gây nhiễm trùng hô hấp trên và bệnh thường rất nhẹ. So với virus khác như cúm, COVID-19, Adenovirus rất bình thường. Tất nhiên, khi người mắc các bệnh nền thì nhiễm virus nào cũng có nguy cơ tiến triển nặng"- PGS Dũng nói.
PGS Dũng khuyến cáo người dân nên đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám. Với Adenovirus, trẻ mắc bệnh nhẹ có thể tự điều trị tại nhà và sẽ khỏi sau một vài ngày hoặc một vài tuần.
Tác giả: Ngọc Dung
Nguồn tin: Báo Người lao động