Số hóa

Bê bối băng vệ sinh gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc

Trên Weibo, hashtag “lừa đảo chiều dài băng vệ sinh” trở thành chủ đề nóng suốt cả tháng 11. Hàng nghìn bài đăng lên án hành vi gian dối của các hãng.

Một số cư dân mạng còn đùa rằng CEO Lei Jun nên sản xuất các sản phẩm vệ sinh mang thương hiệu Xiaomi để có một thương hiệu băng vệ sinh Trung Quốc mà họ có thể tin tưởng. Ảnh: Sixth Tone.

Tháng 11, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập phẫn nộ từ người tiêu dùng nữ khi biết được băng vệ sinh do các thương hiệu hàng đầu sản xuất thường nhỏ hơn quảng cáo. Họ yêu cầu các công ty này phải đưa ra hàng loạt lời xin lỗi.

Vụ việc bắt đầu khi các video từ các KOL trên nền tảng Xiaohongshu. Trong video, người này đo chiều dài thực tế của băng vệ sinh từ các thương hiệu như ABC, Sofy, Kotex, Space 7. Họ phát hiện rằng chiều dài lớp thấm hút thực tế bên trong sản phẩm ngắn hơn nhiều so với con số ghi trên bao bì.

"Ngày nay việc sản xuất những miếng băng tiêu chuẩn dài 200 mm khó đến vậy sao? Giờ hẳn là lúc phải tẩy chay các công ty ki bo với đồ dành cho phụ nữ”, cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ.

Theo các thử nghiệm của The Paper, trong số 24 mẫu băng vệ sinh từ 8 thương hiệu lớn, có đến 88% sản phẩm ngắn hơn ít nhất 10 mm so với thông số được quảng cáo.

Trên Weibo, hashtag “lừa đảo chiều dài băng vệ sinh” bắt đầu trở thành chủ đề nóng từ ngày 6/11 và kéo dài suốt vài tuần liền. Hàng nghìn bài đăng lên án hành vi gian dối của các công ty.

Một bình luận trên Weibo nhận được lượng tương tác cao viết: “Băng vệ sinh vốn dĩ đã rất đắt, giờ lại còn lừa dối về kích thước. Những người này không có đạo đức sao, còn cố kiếm tiền bằng sự bất tiện của phụ nữ nữ chứ?”.

Một số cư dân mạng còn đùa rằng CEO Lei Jun nên sản xuất các sản phẩm vệ sinh mang thương hiệu Xiaomi để có một thương hiệu băng vệ sinh Trung Quốc mà họ có thể tin tưởng.

Theo Ctol, nhiều người tham gia buổi livestream của Lei Jun đã bình luận, yêu cầu Xiaomi phát triển sản phẩm băng vệ sinh, thậm chí còn đặt cái tên hài hước “Xiaomi Siêu thấm” và đề bạt các ý tưởng quảng cáo cho sản phẩm.

Người dùng đo chiều dài băng vệ sinh và nhận thấy kết quả không khớp với thông số quảng cáo. Ảnh: Sixth Tone.

Theo Sixth Tone, dưới góc độ pháp lý, các công ty bị chỉ trích vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Theo tiêu chuẩn Trung Quốc, các sản phẩm có thể có sai số kích thước tối đa 4%, tương đương từ 10-15 mm tùy loại. Tuy nhiên, quy định này không làm dịu đi cơn giận của người tiêu dùng, bởi họ cho rằng đó là hành vi thiếu trung thực và coi thường khách hàng.

Cùng với đó, cách phản hồi của các thương hiệu cũng bị chỉ trích nặng nề. Một đại diện dịch vụ khách hàng từ thương hiệu ABC (Always Being Clean) đã đổ thêm dầu vào lửa với phát ngôn: “Sai lệch từ 10-20 mm là bình thường. Nếu không hài lòng, bạn có thể chọn sản phẩm khác”.

Phát ngôn này lập tức bị chụp màn hình và chia sẻ rộng rãi, làm bùng lên thêm làn sóng tẩy chay. Trước sức ép dư luận, ABC đã đưa ra lời xin lỗi đầu tiên vào ngày 13/11, nhưng bị đánh giá là thiếu chân thành. Ngày 22/11, người sáng lập công ty Deng Jingheng trực tiếp xuất hiện trong một video công khai xin lỗi.

“Tôi không biện minh cho bất cứ điều gì, và một lần nữa xin chân thành xin lỗi mọi người”, ông phát biểu trên Weibo. Nhà sáng lập cam kết rằng ABC sẽ là công ty đầu tiên trong ngành đạt được tiêu chuẩn “không sai lệch tiêu cực” từ tháng 12/2024. Ông còn hứa rằng đến tháng 3/2025, tất cả sản phẩm của ABC sẽ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc gia.

ABC đã tạm thời rút toàn bộ sản phẩm băng vệ sinh khỏi các gian hàng trực tuyến chính thức trên Douyin và Taobao. Các thương hiệu khác như Shecare và Beishute cũng nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi để xoa dịu người tiêu dùng.

Theo Sixth Tone, đây không phải là lần đầu tiên các thương hiệu lớn tại Trung Quốc đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ từ khách hàng nữ. Tháng 9/2023, thương hiệu mỹ phẩm Florasis đã phải xin lỗi vì giá bán sản phẩm quá cao. Đầu tháng 11/2024, một chiến dịch quảng cáo của thương hiệu chăm sóc cá nhân Flauhra cũng bị chỉ trích là hạ thấp phụ nữ.

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP