Trong tỉnh

Bé 2,5 tháng tuổi nguy kịch, người thân đến tận nhà cầu cứu lãnh đạo bệnh viện

Lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi Nghệ An xác nhận khi cháu bé 2,5 tháng tuổi có tiên lượng xấu, trong đêm người thân đã đến tận nhà gõ cửa “cầu cứu” để được trợ giúp.

Ngày 25-5, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại diện Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An về thông tin liên quan tới việc cháu N.Đ.B. (2,5 tháng tuổi, trú xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An) tử vong sau khi đến cấp cứu tại bệnh viện này.

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nơi xảy ra sự việc

Tại cuộc trao đổi, ông Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, xác nhận thông tin vào rạng sáng ngày 23-5, người nhà người thân của cháu N.Đ. B. (đang cấp cứu tại bệnh viện) có đến nhà mình và nhà bác sĩ Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc thuộc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, để xin được trợ giúp khi cháu B. có tiên lượng xấu.

Trả lời câu hỏi vì sao người thân không tin tưởng kíp các bác sĩ trực tại bệnh viện mà phải tìm đến tận nhà của Phó giám đốc và Trưởng khoa Hồi sức tích cực "cầu cứu" xin được trợ giúp, ông Cương giải thích: Lỗi của bác sĩ Dũng (người trực tiếp nhận, cấp cứu cho cháu B. - PV) lúc giải thích chưa lập luận chặt chẽ nên người thân không yên tâm vào chẩn đoán. Người nhà sau đó mới gọi điện, đến nhà các bác sĩ khác trong đêm để xin được trợ giúp.

Lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thông tin về sự việc với các cơ quan báo chí.

Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã có báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An về thông tin ban đầu. Cụ thể, lúc 21 giờ 44 ngày 22-5, cháu B. vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu. Lý do vào viện là khó thở, tím tái, bỏ bú. Về tiền sử bệnh, trẻ chưa phát hiện bệnh lý, dị ứng gì.


Tại đây, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, theo dõi tim bẩm sinh. Bác sĩ sau đó đã xử lý hút đờm hầu họng... chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc lúc 21 giờ 48. Quá trình theo dõi và điều trị, trẻ tiếp tục được hồi sức cấp cứu, bù toan chuyển hóa. Lúc 23 giờ, tiêm kháng sinh Ceftriaxon (đã test âm tính), trẻ được đăng kí truyền máu huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu khối cùng nhóm.

Đến 0 giờ 30 phút ngày 23-5, tình trạng trẻ không cải thiện, diễn biến nặng hơn, mạch quay bắt yếu, môi tím, được xử trí thêm vận mạch Noradrenalin, liều 0,5 mcg/kg/p, nhưng diễn biến bệnh nặng dần. Đến 3 giờ ngày 23-5, trẻ xuất hiện ngừng tuần hoàn, được cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 25 phút, trẻ tái lập tuần hoàn nhưng tiên lượng xấu. Thầy thuốc đã giải thích lại tình trạng nguy cơ tử vong cao tới gia đình. Trẻ xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2 lúc 4 giờ 15 phút, lần thứ 3 lúc 5 giờ 30 phút, sau khi cấp cứu 30 phút, trẻ không hồi phục. Trẻ tử vong lúc 6 giờ ngày 23-5.

Hội đồng chuyên môn bệnh viện họp, kết luận quá trình thăm khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân ngày 21-5. Quá trình thăm khám, chẩn đoán và xử trí cấp cứu bệnh nhân từ lúc nhập viện đến khi tử vong, đều thực hiện đúng quy trình. Nguyên nhân bé tử vong là do sốc không hồi phục chưa rõ nguyên nhân (nghĩ đến một trong nguyên nhân: sốc phản vệ; rối loạn chuyển hóa).

Sau khi sự việc xảy ra, người nhà đã đưa thi thể cháu bé về mai táng.

Trong 2 ngày 24 và 25-5, trên mạng xã hội xôn xao trước sự việc một cháu bé 2,5 tháng tuổi tử vong sau khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Theo những thông tin mà người thân cháu bé đăng tải, khi phát hiện cháu có tiên lượng xấu, người thân đã gọi điện "cầu cứu" các bác sĩ, trực tiếp đến nhà ông Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, và bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để xin được trợ giúp.

Tác giả: Đức Ngọc

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP