Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng, thông tin khởi tố cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã thành sự thật. Trước đó, ông Trần Bắc Hà đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc khởi tố ông Trần Bắc Hà chỉ là vấn đề thời gian.
Ông Trần Bắc Hà và cấp dưới cùng bị khởi tố. Ảnh: PLO |
Việc bắt giữ cựu lãnh đạo của BIDV- một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động đang đi từng bước vững chắc.
BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu Nhà nước chi phối, có lịch sử lâu đời nhất, với quy mô tổng tài sản đứng đầu trong hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam.
Với vị thế là ngân hàng chủ lực, BIDV có trách nhiệm và vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế và an ninh tiền tệ. Tuy nhiên, là người đứng đầu cấp ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Bắc Hà đã có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV.
Cuối tháng 5 năm nay, kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận: Cá nhân ông Trần Bắc Hà và Ban Thường vụ Đảng ủy ngân hàng (nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020) đã để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống , làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động BIDV.
Không những thế, ông Trần Bắc Hà còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Đến kỳ họp thứ 27 Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuối tháng 6 năm nay, ông Trần Bắc Hà bị khai trừ khỏi đảng. 2 lãnh đạo khác của BIDV bị kỷ luật.
Một lãnh đạo ngân hàng lớn, đầy uy quyền, tưởng chừng như khó lòng “đụng chạm”, cuối cùng đã phải nhận hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm của mình.
Chống tham nhũng không có vùng cấm. Quyết tâm đó của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã và đang được hiện thực hóa. Đến cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cả bộ trưởng, thứ trưởng còn không là ngoại lệ, huống chi một lãnh đạo ngân hàng.
Chắc đến đâu làm đến đó, không thể nóng vội, không thể đốt cháy giai đoạn, lần lượt các quan chức dính chàm bị đưa ra ánh sáng.
Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” với khả năng lũng đoạn của mình đã đưa một dây cán bộ vào vòng lao lý. Không chỉ nhận bản án 9 năm tù về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, nhân vật này ít nhất sẽ phải hầu tòa 3 lần nữa.
Vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG), hàng loạt cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã nhận các hình thức kỷ luật và chắc hẳn sẽ không dừng ở đó.
Các sếp lớn ngân hàng như Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình và nay là Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang… đã, đang và sẽ phải trả lời công luận về những sai phạm của mình trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.
Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa và mở đường cho người ta tiến, chống tham nhũng, ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm... Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nói như vậy với cử tri Hà Nội. Chúng ta mất cán bộ, mất đảng viên, mất những người lãnh đạo quản lý nhưng nếu để họ tồn tại trong bộ máy thì không biết, đất nước này sẽ đi về đâu?
Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và chờ đợi công cuộc làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy sẽ tiếp tục có những chuyển biến mới./.
Tác giả: Quốc Phong
Nguồn tin: Báo VOV