Kinh tế

Bán nước bẩn thắng kiện, sản xuất nước sạch phá sản

Gia đình 11 người ngụ P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa uống phải nước bẩn đóng bình, khiến trẻ nhỏ phải nhập viện cấp cứu, nhưng khi yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe thì TAND TP. Biên Hòa lại bỏ qua hàng loạt sai phạm và tuyên cơ sở sản xuất nước bẩn thắng kiện. Trong khi đó, nhà máy sản xuất nước đóng chai được đầu tư hơn 1 tỉ đồng tại H.Nhơn Trạch lại bị cơ quan thuế áp giá 1 triệu đồng/m3 nước ngầm khiến cơ sở này phá sản.

Bà Võ Thị Ánh Ngọc chỉ bình nước bẩn mà gia đình bà uống phải.


Bán nước bẩn được toà tuyên thắng kiện

Bà Võ Thị Ánh Ngọc (58 tuổi, ngụ ấp Tân Bửu, P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết: Gia đình tôi sử dụng nhãn hàng nước uống đóng chai Eélite loại 20 lít của cơ sở Bảy Tiến (P.Tân Hòa, TP. Biên Hòa) đã hơn 3 năm nay, mỗi tháng sử dụng 10 bình, giá 12.000 đồng/bình. Tuy nhiên, trong thời gian dài, gia đình tôi nhiều lần phải nhập viện điều trị và được BVĐK Đồng Nai chẩn đoán bị các bệnh, viêm dạ dày, tá tràng, táo bón. “Từ tháng 12.2014, gia đình tôi uống nước nghi bẩn và cả nhà đều bị bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy; điều đó khiến gia đình tôi rất hoang mang, tinh thần suy sụp, 4 đứa trẻ trong gia đình từ 4-12 tuổi đều bị triệu chứng trên, có đứa trong thời gian ngắn phải nhập viện 2 lần do nôn ói, tiêu chảy” - bà Ngọc phản ánh.

Cũng theo bà Ngọc, mãi đến tháng 4.2015, khi mới khui một bình nước 20 lít ra uống thì cảm thấy có mùi hăng, khó chịu, sau đó con bà Ngọc phát hiện trong bình nước Eélite có nhiều vật lạ giống như xác côn trùng. Bà Ngọc làm đơn trình báo các cơ quan chức năng. Sau đó, CA TP. Biên Hòa đã vào cuộc kiểm tra cơ sở Bảy Tiến, lập biên bản 2 lỗi vi phạm và đình chỉ hoạt động kinh doanh sản xuất nước uống đóng chai Bảy Tiến, cấm lưu thông sản phẩm.

Cơ sở sản xuất nước Bảy Tiến đã thừa nhận nước bẩn. Chủ cơ sở Bảy Tiến ông Dương Văn Bảy, cho biết, đã đến gặp gia đình bà Ngọc để xin lỗi và thống nhất thời gian sử dụng để bồi thường. Bà Hồ Thị Na - Phó Chi cục trưởng - Chi cục ATVSTP Đồng Nai cho biết, tháng 9.2015, đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bảy Tiến và xác nhận cơ sở này không thực hiện việc cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài ra giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn 3 tháng, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hết hạn. Tổng số tiền phạt mà các cơ quan chức năng đã xử phạt cho 3 hành vi trên của cơ sở Bảy Tiến là gần 19 triệu đồng.

Sau đó, bà Ngọc đại diện cả gia đình khởi kiện cơ sở Bảy Tiến ra tòa, yêu cầu bồi thường tổn hại sức khỏe cho 5 người, với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, tại bản án số 53/2016/DSST ngày 23.6.2016, TAND TP. Biên Hòa tuyên, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Võ Thị Ánh Ngọc, vì cho rằng: Bà Ngọc khiếu nại không có cơ sở, bà Ngọc không chứng minh được gia đình bà gồm 5 người sử dụng nước uống của cơ sở Bảy Tiến bị đau bụng và có thiệt hại về sức khỏe.

Quá bức xúc, vì cho rằng phán quyết của TAND TP. Biên Hòa chưa “thấu tình đạt lý”, bà Ngọc đã làm đơn kháng cáo. Ngày 27.7.2016, VKSND TP. Biên Hòa đã có văn bản gửi bà Ngọc, thông báo đã yêu cầu tòa cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa lại nội dung phán quyết của bản án sơ thẩm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía nguyên đơn nói riêng và người tiêu dùng nói chung.

Áp thuế 1 triệu đồng/m3 nước, doanh nghiệp bại sản

Ông Trà Thanh Hải (49 tuổi, địa chỉ cơ sở tại xã Phú Hội, H. Nhơn Trạch) - chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình quy mô lớn ở Nhơn Trạch, đã bại sản do nhiều năm đi khiếu nại, bởi cơ quan thuế áp mức thuế 1 triệu đồng/m3 nước sản xuất đóng bình.

Ông Hải cho biết, năm 2008, ông Trà Thanh Hải đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước đóng chai quy mô lớn nhất tại H. Nhơn Trạch lúc bấy giờ, và được tính giá khai thác nước 2.700 đồng/m3, nhà máy hoạt động hiệu quả, công suất 800 bình 20 lít/ngày.

Nhưng đến tháng 7.2011, Chi cục Thuế H. Nhơn Trạch yêu cầu ông Hải lên làm việc và truy thu thuế từ năm 2009. Theo Chi cục Thuế Nhơn Trạch, từ 1.1.2009, áp dụng mức thuế mới theo QĐ số 86/2008 với mức 600.000 đồng/m3, nhưng ông Hải chỉ đóng thuế theo mức cũ là 2.700 đồng/m3 nên truy thu tổng số tiền từ 2009-2011 là gần 52 triệu đồng. Sau đó, tỉnh Đồng Nai lại ra tiếp một QĐ số 65/2011 thay đổi mức thu thuế tài nguyên nước, áp dụng với ông Hải là 1.000 đồng/lít (tức 1 triệu đồng/m3) và tiếp tục truy thu thuế đối với ông Hải từ năm 2012, tháng 1 - 8.2013 là 43,7 triệu đồng. Như vậy sau 2 đợt truy thu thuế, tổng cộng là hơn 95 triệu đồng. Từ đây, nhà máy của ông Hải lâm vào cơn lao đao do thuế quá cao và dẫn đến tán gia bại sản.

Ông Hải nói: Chỉ trong thời gian ngắn, mức thu phí tài nguyên nước của tôi đã tăng lên hàng trăm lần, từ 2.700 đồng/m3 đầu năm 2008, đến năm 2011 đã tăng lên 1.000 đồng/lít (1 triệu đồng/m3). “Việc áp thuế tài nguyên như vậy là không đúng. Theo tôi biết QĐ 86/2008 và QĐ 65/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai áp tính thuế 600.000 đồng/m3 và 1.000 đồng/lít là áp dụng cho nước uống đóng chai đóng hộp - Đây là loại nước khoáng thiên nhiên được khai thác từ các mỏ nước khoáng có hàm lượng khoáng cao, có thể dùng để uống mà không phải qua lọc hay xử lý gì cả. Còn nguồn nước tôi khai thác là nước ngầm, tôi phải xử lý, lọc, đóng chai… rồi mới đưa sản phẩm ra ngoài thị trường” - ông Hải bức xúc.

Ông Hải liên tiếp gửi nhiều đơn kêu cứu trong nhiều năm, nhưng chỉ nhận được sự trả lời lòng vòng. Tới nay Chi cục Thuế H. Nhơn Trạch đã niêm phong hóa đơn bán hàng của cơ sở từ 10.3.2014 và thông báo hóa đơn không còn giá trị.

Tới nay, ông Hải vẫn nợ thuế gần 100 triệu. Trong khi, toàn bộ máy móc của ông Hải từ 20 lượng vàng năm 2008 hiện chỉ còn bán được 50 triệu đồng.

Tác giả bài viết: HÀ ANH CHIẾN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP