Cuộc sống

Bác sĩ chứng kiến bạn thân sốc phản vệ vì uống cà phê trứng

Sau khi uống ngụm cà phê đầu tiên, người bạn bên cạnh PGS Quang bỗng ngã lăn xuống đất, huyết áp giảm mạnh, mắt lờ đờ, lên cơn co thắt.

PGS.TS Võ Thanh Quang - Giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung ương, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết sốc phản vệ là một hội chứng cấp tính, có nguy cơ tiềm tàng đe dọa tính mạng với biểu hiện toàn thân, đặc trưng gồm suy thở hoặc suy tuần hoàn, thậm chí cả hai.

Sốc phản vệ là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà họ được tiếp xúc. Khi đó, cơ thể sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine, sau vài phút, người bệnh sẽ có biểu hiện sốc.

Chất dị ứng có thể tác động qua đường máu (tiêm thuốc, vắc xin), đường tiêu hóa (ăn thức ăn), đường hô hấp (ngửi phải chất gây dị ứng). Trong đó, đường tiêu hóa gây tác động nhẹ hơn các con đường trên. Nhưng hậu quả để lại đều nguy hiểm như nhau.

“Tôi từng chứng kiến ít nhất 3 trường hợp người xung quanh mình ngã qụy ngay trước mặt chỉ vì vô tình ăn phải đồ dị ứng”, PGS Quang chia sẻ.

foodpoisoning
Sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng. Ảnh: Earthclinic .

Hơn mười năm trước, vào dịp cuối tuần, PGS Quang cùng nhóm bạn đều là bác sĩ gặp nhau tại một quán cà phê ở Hà Nội. Sau khi uống ngụm cà phê đầu tiên, người bạn bên cạnh anh bỗng ngã lăn xuống đất, cốc cà phê vỡ tung.

Kiểm tra cho thấy huyết áp anh này giảm mạnh, tím tái, mắt lờ đờ, lên cơn co thắt, tình trạng rất nguy hiểm. Rất may, bản thân PGS Quang và những người bạn đi cùng đều là bác sĩ nên đã nhanh chóng sơ cứu cho bạn, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.



Sau khi tỉnh dậy, người bạn này mới cho biết anh bị dị ứng với trứng. Đồ uống mà anh dùng là cà phê trứng nhưng anh không để ý. Sau khi uống, phản ứng sốc phản vệ suýt cướp đi mạng sống của anh.

Năm 2013, một nhân viên y tế của Bệnh Viện Tai Mũi Họng Trung ương phải nằm điều trị tại khoa Chống độc - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai, một tuần chỉ vì ăn hải sản.

Người này cũng ngay lập tức ngã quỵ xuống đất khi vừa ăn miếng đầu tiên. Nếu PGS Quang không sơ cứu kịp thời, tình trạng xấu có thể đã xảy ra.

Y tá trưởng của bệnh viện cũng có cơ địa dị ứng với một thành phần của thuốc. Một lần, cô chỉ đi ngang qua chỗ bác sĩ đang tiêm thuốc cho bệnh nhân, ngửi mùi, ngay lập tức cô bị, khó thở, lên cơn tím tái, ngã lăn ra sàn nhà. Sau đó, cô được chuyển lên làm công tác hành chính để tránh tiếp xúc với thuốc.

“Đó là 3 trường hợp điển hình tôi đã chứng kiến. Họ đều là bác sĩ, ý thức rõ nhất về tình trạng bệnh nhưng có những điều khó lường trước, không nói trước được. Điều đó chứng tỏ sốc phản vệ rất nguy hiểm", PGS Quang cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, những trường hợp sốc phản vệ do dị ứng thức ăn khá nhiều. Có người chỉ ăn một hạt lạc cũng tử vong.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi bị dị ứng với dọc mùng. Được biết, bệnh nhân này thích ăn bún dọc mùng. Khi ăn dọc mùng lần một, bệnh nhân thấy ngứa mồm và đến lần hai thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Bà chủ quán bún phải nhờ xe ôm đưa đến bệnh nhân này đến bệnh viện.

Tuy nhiên, chưa đến nơi, bệnh nhân đã thiếu oxy não, ngừng tim nên dù sau khi các bác sĩ cấp cứu tim đập trở lại nhưng não đã hỏng.

PGS Bình lưu ý khi xảy ra sốc phản vệ chỉ cho phép xử lý cấp cứu trong vòng 10 giây, nếu chậm bệnh nhân sẽ tử vong.

Do đó, những người bị dị ứng, cần phát hiện nguyên nhân và tránh tiếp xúc với các thứ đó. Đặc biệt, họ cần thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thực phẩm.


Tác giả bài viết: Hà Quyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP