Đi cùng với Bác lúc đó còn có Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Song Hào. Vào thời điểm đó Trung đoàn 234 là đơn vị đầu tiên trực tiếp đánh máy bay Mỹ nhưng kinh nghiệm quả thực là chưa có nhiều. Bác quay sang hỏi Thượng tướng Văn Tiến Dũng: “Bắn bao nhiêu viên đạn thì diệt được một chiếc tầu bay?”. Thượng tướng Văn Tiến Dũng nói rằng, theo xác suất mà thế giới đã tổng kết thì phải bắn khoảng 1 triệu viên. Nghe vậy Bác thoáng trầm ngâm rồi nói với bộ đội: “Đất nước chúng ta còn nghèo nếu bắn nhiều vậy thì không thể đáp ứng được. Chúng ta hay nói mỗi phát súng là một quân thù, nhưng với loại súng này (pháo 57 ly) Bác mong các cháu cố gắng rèn luyện làm sao để bắn khoảng 20 viên diệt một tầu bay”.
Ánh mắt của Đại tá Nguyễn Quang Tâm chợt sáng rỡ. Trông vào đó không ai nghĩ ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Ông Tâm hào hứng kể: “Sau lần đó cả đơn vị chúng tôi ai nấy đều quyết tâm rèn luyện mong làm được như lời Bác căn dặn. Và thật tình cờ, chỉ mấy ngày sau, đại đội của chúng tôi đã hạ một máy bay chỉ với 9 viên đạn. Bác gửi thư khen ngợi". Chuyện đó thế này. Đại đội 1 của Trung đoàn 234 được cử lên Bất Bạt, Sơn Tây để bảo vệ 1 tiểu đoàn tên lửa. Đêm 24-5-1965, đơn vị tên lửa này thắng một trận giòn giã, phóng 4 quả tên lửa hạ 3 chiếc máy bay. Ngay sau trận đánh, đơn vị tên lửa lập tức di chuyển, thế vào trận địa cũ chỉ toàn tên lửa bằng phên tre liếp nứa. Đại đội 1 lúc đó có 7 khẩu pháo, bố trí trận địa 4 trên đồi, 3 dưới suối. Trưa ngày 25-5-1965, một tốp máy bay Mỹ bay thẳng vào trận địa tên lửa hòng trả thù trận thua đau hôm trước. Toàn đơn vị lập tức lấy phần tử bắn, nhưng vì địch bay thấp nên chỉ có 3 khẩu dưới suối nổ súng. Ba khẩu pháo nã 9 viên đạn cắt đôi thân máy bay khiến nó rơi tại chỗ.
Ngày 25-9-1966, pháo thủ Nguyễn Quang Tâm được gặp Bác lần thứ hai. Lần đó cả đơn vị đang triển khai đội hình ở bãi An Dương để bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ. Bác đến tập trung cả trung đoàn nói chuyện rồi đến thăm Đại đội 6. Bác đến tận nơi chia thuốc lá cho từng người. Thấy thừa một điếu, Bác hỏi: “Sao các chú báo Bác có 8 người mà giờ lại chỉ có 7”. Mọi người thưa với Bác rằng một đồng chí vẫn đang làm nhiệm vụ canh gác trên đài quan sát. Bác khen tinh thần cảnh giác như vậy là rất tốt, Bác gửi điếu thuốc phần chiến sĩ canh gác cho mọi người. Trước khi chia tay Bác dặn: “Khi nào bắn rơi máy bay báo cho Bác biết, Bác lại đến thăm”.
Sau đó một năm, đúng ngày 19-5-1967, Trung đoàn 234 lại bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát vũ trang A-3J. Trong cuốn Lịch sử Quân chủng Phòng không gọi đây là thành tích nổi bật của đợt thi đua “Luyện hay bắn giỏi, lập công dâng Bác” mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 77 tuổi. Bác biết tin, nhưng bận việc nên không đến thăm được. Dù vậy Bác cũng đã gửi thư khen ngợi. Tôi hỏi ông Tâm: “Như vậy là mới có 2 lần bác được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần thứ ba là lần nào, thưa bác?”.
Đại tá Nguyễn Quang Tâm cười, khóe mắt lấp lánh: “Lần đó là tình cờ. Chuyện là thế này, lúc đó Trung đoàn 234 có một đại đội 14,5mm bảo vệ một số cao điểm quanh Hà Nội. Lúc đó, anh em có sáng kiến đưa súng lên đỉnh nhịp cầu Long Biên để bắn máy bay bổ nhào. Bác đi ô tô qua cầu, thấy lạ, Bác dừng lại hỏi. Sau khi biết lý do, Bác nói: "Các cháu dũng cảm trong chiến đấu như vậy là rất tốt. Thế nhưng mục tiêu địch đánh là cây cầu, nếu cầu sập, các cháu sẽ hy sinh không đáng". Nghe Bác nói vậy, mọi người ngẫm nghĩ đều thấy đúng, sau đó liền bỏ vị trí trên đỉnh nhịp cầu. Quả nhiên ngày hôm sau địch đánh sập nhịp cầu ấy. Đến giờ gặp lại đồng đội, nhiều người vẫn nói: Bác đã cứu mình thoát chết!”.
Lần gặp Bác trên cầu đó đã để lại một bài học sâu sắc cho chiến sĩ Nguyễn Quang Tâm, thôi thúc anh phấn đấu, phát triển từ chức vụ Khẩu đội trưởng đến Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 234. Dù ở cương vị nào, Nguyễn Quang Tâm cũng đều biết trân quý máu xương, thương yêu đồng đội, coi chiến sĩ như anh em ruột thịt. Suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và cả những năm xây dựng hòa bình sau này, Đại tá Nguyễn Quang Tâm luôn được đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến.
Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân