Xây dựng thương hiệu cho du lịch đang được tỉnh Quảng Ninh nỗ lực triển khai với việc nhanh chóng xác minh, xử lý hiện tượng “chặt chém” khi nhận được phản ánh. Trên 200 vụ việc ép giá từ năm 2012 đến nay đã được xử lý “thấu tình đạt lý”.
“Chém” 23 triệu đồng cho một bữa ăn, 2,5 triệu đồng cho một con ốc
Theo phản ánh của anh Đinh Xuân Hào, ở Hà Nội, thì ngày 2/6/2015, gia đình anh có 8 người đi tham quan Vịnh Hạ Long. Khi xuống tới Bãi Cháy, anh được một người tên là Hiếu giới thiệu đi tàu du lịch Minh Hiền (anh Hào không nhớ số tàu), nhân viên này đưa gia đình anh vào khách sạn Điện Lực ở Bãi Cháy nghỉ. Sau khi đi tham quan Vịnh Hạ Long, gia đình anh ăn cơm trên tàu và khi thanh toán giật mình với số tiền 23 triệu đồng/một bữa ăn. Tuy bị “chém” cái giá quá đắt nhưng anh Hào không phản ánh, mà khi về tới nhà anh mới gọi điện cho đường dây nóng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi xác minh, bộ phận Thanh tra Sở VH, TT&DL đã làm rõ người tên Hiếu chính là nhân viên của khách sạn Điện Lực và yêu cầu người này liên hệ với nhà tàu trả lại tiền cho khách. Sau khi thống nhất, anh Hiếu đã trả lại tiền “chém” bữa cơm cho anh Hào 7 triệu đồng.
Ông Đào Lê Trung, Chánh Thanh tra Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ninh cho biết, đường dây nóng với số 0913265009 đã hỗ trợ rất tích cực khách du lịch khi đến với Quảng Ninh. Nhiều du khách sau khi được hỗ trợ đã gửi lời cảm ơn tới bộ phận thanh tra. Qua kiểm tra và giải quyết của bộ phận Thanh tra, nhân viên đã điều chỉnh hành vi khiến du khách rất hài lòng.
Từ năm 2013 đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi và xử lý giải quyết 200 kiến nghị của khách du lịch, chủ yếu là ép giá ăn uống trên tàu du lịch, giá trông giữ xe…
Theo ông Trung thì mới đây đường dây nóng nhận được phản ánh của một đoàn khách về việc họ được tàu du lịch đưa đến một điểm tham quan ngoài Vịnh Hạ Long, khách mua một con ốc hoàng đế 2,5kg, khi tính tiền bị hét giá trên trời: 2,5 triệu đồng. Sau một hồi đôi co giảm giá không được, họ gọi điện đến đường dây nóng để nhờ can thiệp.
Với vụ việc này, bộ phận xử lý phải ra tận ngoài vịnh để kiểm tra, xem xét. Và quả thật, chủ hàng đã rất quá đáng khi “chém” khách với giá “trên mây”. Thanh tra Sở đã yêu cầu chủ hàng phải trả lại tiền cho khách, tính đúng giá trị thực của con ốc và chủ hàng đã phải trả lại khách 2 triệu đồng.
Hướng dẫn viên được thả nổi cũng ép giá khách
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Thời gian gần đây, Sở có nghe dư luận về hiện tượng hướng dẫn viên không được doanh nghiệp lữ hành trả lương nên đã bằng mọi cách kiếm tiền như đưa khách vào điểm nọ, điểm kia (không có trong hợp đồng) để chèo kéo, làm tiền. Hiện có một số doanh nghiệp thả cửa, khoán trắng để hướng dẫn viên làm bừa. Về việc này, Thanh tra Sở đã vào cuộc kiểm tra”.
Sở dĩ có hiện tượng trên, theo ông Thanh là do việc cấp phép đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp lữ hành hiện còn quá dễ. Có doanh nghiệp chỉ là vài ba người trong gia đình hoạt động, không có chuyên môn về du lịch nên làm ăn không hiệu quả, dẫn tới thả nổi nhân viên, mặc kệ nhân viên tự ý đưa khách đi các nơi, khoán trắng để thu kinh phí về. Đã có khách du lịch phàn nàn họ bị đưa vào điểm nọ, điểm kia mua hàng, khi về mới biết hàng hóa đó bị “chém” với giá gấp nhiều lần. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ du lịch của Quảng Ninh.
“Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra. Chính quyền các địa phương vào cuộc rất tích cực, tuy nhiên khi không có lực lượng thì một số lại vi phạm” - ông Thanh cho biết.
Bộ phận đường dây nóng cũng mới giải quyết một trường hợp là công ty lữ hành sau khi thu tiền của đoàn khách là Hội Người mù Hà Nội (27 người) thì đã không mua vé cho đoàn đi thăm vịnh, bỏ mặc cả đoàn không có ôtô để về… Sau khi can thiệp, doanh nghiệp này đã phải bố trí xe đưa khách về Hà Nội và bồi thường một phần tiền.
Theo ông Thanh, để xử lý dứt điểm vấn đề này, ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm thì các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cần xem xét, sắp xếp, siết chặt lại những doanh nghiệp chỉ “đánh trống ghi tên”.
“Du lịch là ngành nghề kinh doanh phức tạp nhất. Hàng hóa là con người, nên đưa ngành nghề này vào kinh doanh có điều kiện để yêu cầu các công ty lữ hành phục vụ tốt hơn và khi các công ty lữ hành ở địa bàn khác đến Quảng Ninh hoạt động, chúng tôi mới kiểm tra được” - ông Thanh nêu kiến nghị.
Tác giả bài viết: Nhật Anh