Nấm độc tán trắng: Nấm độc tán trắng là loại nấm cực độc ở Việt Nam. Nấm độc tán trắng (Amanita verna) thường mọc thành từng từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trên đất rừng, cũng có khi mọc ven đường, bãi cỏ vào mùa xuân đến mùa thu. Mũ nấm màu trắng và bề mặt mũ nhẵn bóng. Lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm phẳng và có đường kính khoảng 5-10 cm. Khi, già mép mũ có thể cụp xuống. Phiến nấm và cuống nấm có màu trắng, phần cuống có dạng màng ở trên gần sát với mũ, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Loại nấm này chứa Amanitin (Amatoxin) có độc tính cao. |
Nấm độc trắng hình nón: Nấm độc trắng hình nón nhìn khá giống với nấm độc tán trắng. Loài nấm này cũng có mũ nấm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng; thịt nấm mềm, màu trắng và có mùi khó chịu; chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Chúng có độc tố chính là các amanitin (amatoxin) với độc tính cao. |
Nấm độc tán trắng hình trứng: Nấm độc tán trắng hình trứng có thể gây chết người nếu ăn phải. Ở loài nấm này, mũ nấm hình trứng, màu trắng; cuống nấm hình trụ tròn, phần gốc hình củ; thịt nấm màu trắng và có mùi hắc. Nấm độc tán trắng hình trứng thường mọc vào cuối xuân, đầu hè. |
Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa): Mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu, tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽm, đường kính mũ nấm khoảng 2-8cm. Phiến nấm lúc non mau hơi trắng, gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm. Cuống nấm có màu từ hơi trắng đến vàng nâu, dài 3-9cm, không có vòng cuống. Thịt nấm màu trắng và chứa độc tố muscarin. |
Nấm Entoloma sinuatum: Nấm có dạng hình nón, cuống hình trụ, tán nấm có màu nâu. Chúng thường mọc ở bìa rừng từ cuối xuân đến đầu thu, loại nấm này chứa chất kịch độc người bệnh sẽ có các biểu hiện diễn ra rất nhanh trong vòng vài giờ như: rối loạn ý thức, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn điện giải, hạ huyết áp và nhanh chóng rơi vào hôn mê, chất độc cao có thể dẫn đến tử vong rất nhanh. |
Nấm ô tán trắng phiến xanh: Loài nấm này mọc thành cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác. Lúc còn non, mũ nấm hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành, mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính 5-15 cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vảy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm) lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc. Thịt nấm trắng, có độc tính thấp và chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa. |
Nấm phiến đốm chuông: Mũ nấm hình chuông, đường kính 2-3,5cm. Các phiến có vân, màu xanh rồi đen. Nấm có lớp thịt mỏng, màu da sơn dương. Thịt nấm phiến đốm chuông không mùi, chứa những chất độc gây ảo giác. Nấm mọc trên phân hoại mục ở các bãi cỏ từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm |
Nấm độc xanh đen: Nấm độc xanh đen hay còn gọi là nấm lục. Phiến nấm màu trắng, có khi lấp lánh màu lục. Mũ nấm đầu tiên nằm trong bao chung có dạng trứng, màu trắng. Khi trưởng thành, mũ nâng lên và phá vỡ bao chung. Trong nấm này có chứa 2 chất độc là amanitin và phalloidin, có thể gây chết người nếu dù chỉ ăn một góc của cây nấm. |
Nấm đỏ: Loại nấm có màu sắc rất bắt mắt màu đỏ tươi hoặc cam tươi, có đốm trắng nhỏ bao phủ. Chúng mọc đơn độc hoặc thành từng cụm ở những bãi cỏ hoặc trong rừng, nhiều nơi sử dụng loại nấm này để diệt ruồi. Đường kính mũ nấm từ 10 - 15cm, cuống và vòng màu trắng hoặc vàng, chân phình dạng củ, thịt nấm trắng không có mùi vị đặc trưng. Loại nấm có màu sắc bắt mắt này lại ẩn chứa chất kịch độc gây chết người. |
Tác giả: Hoa Lê (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Nghệ An