Qua hai bài "Ôtô giá 300 triệu, người Việt chịu 600 triệu tiền thuế" và "Giá ôtô ở Việt Nam quá 'kinh khủng' so với thế giới" phân tích về giá xe quá vô lý tại Việt Nam: 700 triệu đồng cho chiếc xe giá trị thực chỉ 200 triệu và một tỷ đồng cho xe giá 300 triệu, cũng như đề cập tới sự nhầm lẫn tai hại của người tiêu dùng về giá với giá trị. Nhiều người hỏi "anh đi xe gì?".
"Chiếc xe chính mà tôi chạy đường dài là Ford Ranger 2017".
Với tổng chi phí 700 triệu đồng (chênh tầm 100 triệu so với giá trị thực của nó, tương đương 27.000 USD) thì đây là chiếc xe nhiều “lợi” nhất mà tôi biết.
Trên thị trường Việt Nam, Ranger được xem là vua bán tải là có lý do.
Tại thời điểm hiện tại, với nhu cầu thường xuyên phải chạy đường dài Vinh - Hà Nội, tôi hoàn toàn hài lòng với Ford Ranger.
Tin tôi đi, khi chạy đường dài, những dòng xe 4 chỗ thì không chấp, tới xe 5 chỗ như Hyundai Tucson, Mazda CX-5 cũng chưa chắc đã đọ được.
Đơn cử, trong cơn bão số 2 vừa qua, có những đoạn ngập gần một mét nước, Ranger vẫn lội phăng phăng.
Tôi còn nhớ, khi mua xe, có nhiều người khuyên “trông thư sinh, nghề của em đi xe 4 chỗ cho nó sang”.
Ngay lập tức, tôi kiểm tra tất cả những dòng xe theo quan niệm được gọi là “sang” tại Việt Nam thì thấy giá quá ảo.
Tôi đã hỏi những người này rằng: “Đi xe con cho nó sang” nghĩa là gì? Phần lớn không ai định nghĩa được, chỉ nói chung chung “sang là đi trông nó đẹp, có người ngắm nhìn mình khi bước xuống xe”.
Và tôi cũng hỏi "sang có bảo vệ được mạng sống không"? Lại nhận được câu trả lời, xe đó giá trị một tỉ đồng có lẽ an toàn.
Đến đây thì tôi không muốn giải thích gì nữa.
Vì sao, bởi vì phần đông người tiêu dùng đang nhầm lẫn tai hại giữa giá bán ôtô tại Việt Nam với giá trị thực sự của nó.
Như đã phân tích trong 2 bài diễn đàn trên, với thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 60%, thuế nhập khẩu 70%, phí trước bạ 15% và hàng loạt các loại phí khác, ôtô tại Việt Nam đang bị đánh thuế lên tới 200% và có giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực.
Trước, trong và sau khi mua xe, chính vì suy nghĩ rằng “mình đang điều khiển chiếc xe giá cả tỷ” thì bạn đang đẩy cả nhà bạn vào tình thế nguy ngập.
Một chiếc xe giá tầm trên dưới 200 triệu được đẩy lên thành 700-800 triệu đồng tại Việt Nam chạy với tốc độ 120 km/h là quá nguy hiểm.
Tôi đã tận mắt thấy chiếc Kia Morning dần dứ cố vượt phải xe container và hậu quả thật thảm khốc.
Sau tai nạn, lái xe container mếu máo nói với tôi "chiếc Morning quá bé, thực sự tôi không thấy, xe vượt tới lưng chừng thì đuối và chui vào gầm xe tui, nát bét.
Rồi một vài người khác nói rằng xe Nhật, Hàn thì “giữ giá”.
Với tôi, “giữ giá” là một quan niệm, hoàn toàn không phải một tiêu chuẩn.
“Giữ giá” hoàn toàn không có chuẩn mực và thước đo về giá trị.
Thực ra, một nhóm người ước định rằng mặt hàng này “giữ giá” thì là nó là giữ giá.
Tôi thấy lạ, một chiếc Toyota Camry tại Anh, Mỹ chỉ dành cho giới bình dân. Giá khởi điểm của chỉ là 20.000 USD nhưng khi về tới Việt Nam bị đẩy giá lên tới trên tỉ đồng, ngang với chiếc Mercedes C-class và được khoác thêm chiếc áo “sang” “giữ giá” thậm chí “đẳng cấp”.
Và tôi cũng thấy lạ, chỉ có Việt Nam, chiếc Honda Spacy ở các nước chuyên dùng chuyển Pizza với mỳ lại được bán với mức giá gần 400 triệu đồng chỉ vì “sang”, “giữ giá”.
Thế nên, để cho giá xe quá ảo tại Việt Nam thì có phần “lỗi” của người tiêu dùng khi rỉ tai nhau quan niệm lạ đời “đi 4 chỗ cho nó sang” và “giữ giá”.
Bạn và tôi, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh hành vi, xu hướng tiêu dùng của mình để giúp giá ôtô trở nên thực hơn so với giá trị thực sự của nó. Để không còn cảnh phải móc hầu bao 700 triệu đồng cho chiếc xe giá thực 200 và cả tỉ đồng cho chiếc chỉ có giá 300 triệu.
Tác giả: Độc giả Ngọc Thọ
Nguồn tin: Báo VnExpress