Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố chiều 18/8, tính đến thời điểm cuối quý II/2016 (hết ngày 30/6), tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn 1.495,4 tỷ đồng, con số này giảm mạnh so với thời điểm cuối quý III năm ngoái và thời điểm đầu năm.
Theo đó, vào ngày 1/1, số dư quỹ BOG vẫn còn 3.970 tỷ đồng và giảm nhẹ còn 3.787,1 tỷ đồng cuối quý I. Tuy nhiên, đến cuối quý II thì số dư quỹ BOG đã chỉ còn chưa tới 40% so với 3 tháng trước đó.
Nguyên nhân đến từ việc trong quý II vừa rồi, trong khi tổng số sử dụng quỹ BOG lên tới 3.821,6 tỷ đồng thì tổng số trích quỹ BOG chỉ ở mức 1.525,3 tỷ đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến cuối quý II, phần lớn các doanh nghiệp bị âm số dư quỹ BOG (14 trong tổng số 21 doanh nghiệp), gồm có CTCP Hóa đầu Quân đội (35,7 tỷ đồng); Lọc hóa dầu Nam Việt (24,6 tỷ đồng), Công ty TNHH Vận tải Bộ Hải Hà (45,6 tỷ đồng), Xăng dầu và Dịch vụ Hàng Hải STS (43,1 tỷ đồng); TNHH Hải Linh (69,5 tỷ đồng)... Ngay cả Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng bị âm quỹ BOG 86,6 tỷ đồng.
Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ BOG lớn nhất với số dư tới 1.424,9 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội dư 218,5 tỷ đồng; Saigon Petro dư 172,3 tỷ đồng...
Theo chu kỳ điều chỉnh giá, đến chiều mai (19/8) liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc. Do giá bình quân xăng RON 92 của chu kỳ này đã tăng 5,2% so với chu kỳ liền trước đó nên nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhận định giá xăng có thể tăng. Nhất là trong bối cảnh số dư quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp bị thâm hụt như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ khó có chiều hướng diễn biến ngược lại.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 4/8, giá xăng RON 92 đã giảm khoảng 600 đồng xuống còn14.690 đồng/lít trong khi giá các mặt hàng dầu được giảm từ 371 đồng đến 637 đồng/lít, kg.
Tác giả bài viết: Bích Diệp