Trong nước

Tối 10-5, thêm 16 ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

Tối 10-5, Bộ Y tế cho biết có thêm 17 ca mắc COVID-19, trong đó 1 ca nhập cảnh đã cách ly ngay; 16 ca cộng đồng ghi nhận tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên du khách tại Thảo Cầm Viên, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Như vậy tính từ 12h đến 18h tối 10-5 có 17 ca mắc mới trong đó 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh.

16 ca mắc ghi nhận trong nước là những trường hợp trong khu vực đã được phong toả tại Hưng Yên (6), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1).

Tính đến 19h ngày 10-5, Việt Nam có tổng cộng 2.028 ca ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 458 ca.

Hôm nay là ngày đầu tiên Bộ Y tế công bố ca mắc COVID-19 vào buổi trưa vì số ca mắc trong một ngày tăng nhanh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng cùng ngày ở Hà Nội, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã thảo luận, phân tích về những ổ dịch xuất hiện từ ngày 27-4 đến nay.

Theo đó, có thể xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2. Nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch.

Biến thể Ân Độ lây nhanh trong không khí

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra ngày 10-5, ở Trụ sở Chính phủ (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.

Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín, lây lan rất nhanh.

Liên quan đến biến thể của Ấn Độ, bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến thể đột biến kép B.1.617 này dễ lây lan hơn và có nhiều ý kiến lo ngại biến thể này vượt qua "hàng phòng vệ" của các loại vắc xin ngừa COVID-19 đang sử dụng, qua đó khiến dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ.

Bà Swaminathan cảnh báo tình trạng số ca nhiễm tăng mạnh tại Ấn Độ sẽ làm tăng đáng kể khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn.

Theo nhà khoa học người Ấn Độ này, virus càng sinh sôi và lây lan thì càng có nhiều khả năng đột biến sẽ phát triển và thích nghi. Những biến thể tích tụ nhiều đột biến có thể sẽ kháng các loại vắc xin mà chúng ta có hiện nay. Bà cho rằng đây sẽ là một thách thức đối với cả thế giới.

Theo số liệu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, diễn biến dịch đợt này có nhiều thay đổi so với những đợt trước. Trong số bệnh nhân đang được điều trị, số người không có triệu chứng lâm sàng chỉ còn 59,3% (ở đợt dịch trước là trên 80%).

Số người có biểu hiện lâm sàng nhẹ lúc vào viện tăng lên 35,8%. Số có biểu hiện lâm sàng mức độ vừa (tiên lượng nặng) là 3,4%.

Số bệnh nhân nặng là 1,4%, trong đó có một ca phải áp dụng ECMO (phương pháp "oxy hóa qua màng ngoài cơ thể") tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các bệnh nhân có diễn biến lâm sàng tăng nặng rất nhanh, áp lực đối với các bệnh viện đang phải điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong những ngày tới là rất nặng nề.

Tác giả: XUÂN MAI - TÚ ANH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP