Thế giới

Phát hiện kháng thể ở động vật có thể chống lại SARS-CoV-2

Kháng thể được tìm thấy ở lạc đà không bướu được tin là có thể chống lại SARS-CoV-2 và các biến chủng của virus gây đại dịch Covid-19.

Các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 (Ảnh minh họa: Nature).

Reuters dẫn thông tin từ nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Y tế VIB-UGent ở thành phố Ghent (Bỉ) ngày 25/8 cho biết, kháng thể chiết xuất từ một con lạc đà cái có tên Winter đã cho thấy hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó. Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, kháng thể từ lạc đà không bướu Winter có khả năng làm giảm độc lực của SARS-CoV-2, bao gồm cả các biến chủng.

Những kháng thể này rất nhỏ, với kích thước cho phép chúng bám vào các phần trên protein gai của SARS-CoV-2, giúp ngăn nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. "Kích thước nhỏ cho phép chúng tiếp cận mục tiêu, tiếp cận các phần của virus vốn rất khó tiếp cận đối với các kháng thể thông thường", ông Xavier Saelens, trưởng nhóm nghiên cứu của VIB-UGent, cho biết.

Giám đốc y tế của VIB-UGent, bà Dominique Tersago, cho biết: "Hiện tại chúng tôi không phát hiện bất cứ đột biến tần suất cao nào ở bất kỳ đâu gần vị trí kháng thể gắn vào virus".

Bà cho hay, kháng thể chiết xuất từ lạc đà Winter cho thấy "hoạt động trung hòa mạnh" chống lại biến chủng nguy hiểm như Delta. Bà gọi đây là một "bước đột phá" tiềm năng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, công nghệ này có thể chỉ bổ sung mà không thay thế hoàn toàn vắc xin, nó giúp bảo vệ những người có hệ miễn dịch kém hoặc dùng để điều trị cho những người nhiễm bệnh ở bệnh viện.

Kết quả nghiên cứu được đưa ra vẫn dựa trên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu hy vọng thử nghiệm lâm sàng cũng cho kết quả tương tự. Hiện các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành từ tuần trước với các tình nguyện viên khỏe mạnh và cả một số bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện.

Nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19 của các nhà khoa học tại VIB-UGent được tiến hành dựa trên nền tảng những nghiên cứu từ năm 2016 về hiệu quả của kháng thể ở lạc đà không bướu trong việc chống lại virus corona gây dịch SARS và MERS. Hiện nay, kháng thể của Winter có thể tái tạo trong phòng thí nghiệm nên con lạc đà này đã được đưa đến nuôi tại một công viên tư nhân ở thành phố Genk của Bỉ.

Giới khoa học toàn cầu tiếp nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc xin cũng như phương pháp điều trị Covid-19 với hy vọng đẩy lùi đại dịch đã lấy đi sinh mạng của hàng triệu người. Vắc xin hiện được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất hiện nay để đối phó với SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó.

Tuy nhiên, nỗ lực thoát đại dịch của thế giới vẫn gặp trở ngại do mất cân bằng nguồn cung vắc xin. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, thế giới đã tiêm được khoảng 5 tỷ liều vắc xin, nhưng trong đó 75% tập trung chỉ ở 10 nước, trong khi ở nhiều quốc gia thu nhập thấp, nhiều người chưa được tiêm mũi vắc xin nào.

WHO kêu gọi các nước giàu có tạm hoãn kế hoạch tiêm liều bổ sung để những nước khác có thêm nguồn cung, tăng tỷ lệ tiêm chủng, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP