Xã hội

Khoảng 10.000 người là F1, F2 của các ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, có khoảng hơn 10 nghìn người là F1, F2 tiếp xúc với 3 ca mắc Covid-19 trên địa bàn. Hiện đã lấy mẫu xét nghiệm được 3000 trường hợp.

Ngày 27/7, tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm của 3 ca bệnh 416, 418 và 420. Các ca này đều có sự độc lập tương đối và qua kiểm tra chưa thấy có điểm chung giữa 3 ca bệnh.

Lực lượng chức năng đưa các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng

Theo ông Thơ, trên địa bàn thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và lúc này cần thiết nâng cấp độ lên thành cách ly xã hội theo Chỉ thị 19. Theo đó, người dân chỉ được phép đi ra khỏi nhà để mua các nhu yếu phẩm cần thiết, lương thực, thực phẩm, thuốc men, không được tụ tập ở cộng đồng quá 2 người.

"Lo lắng là nguồn lây bệnh trong cộng đồng có nhiều nguồn khác nhau. Có khả năng trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm bệnh, mang mầm bệnh mà chúng ta chưa phát hiện", ông Thơ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thơ, Đà Nẵng hiện cần sự trợ giúp từ Chính phủ và các bộ ngành, cụ thể là cần lực lượng để tập trung rà soát, cách ly F1, F2. Hiện số lượng cần cách ly ở Đà Nẵng rất lớn, chỉ riêng tại 2 bệnh viện gồm Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng đã là hơn 8.000 trường hợp. Đó là chưa tính con số ngoài cộng đồng còn rất đông, dự kiến có khoảng 10.000 người là F1, F2 tiếp xúc các ca bệnh.

Đặc biệt, những khu vực có nguy cơ cao, khu vực có người nước ngoài, người Trung Quốc và các hoạt động mà những bệnh nhân đã đến cũng rất nhiều. Do đó, Đà Nẵng phải khẩn trương tăng cường việc xét nghiệm để phát hiện ra những người có bệnh.

"Việc xét nghiệm vừa để tìm kháng nguyên, vừa tìm kháng thể để có đánh giá chung về tình hình dịch. Hiện việc xét nghiệm còn rất khiêm tốn, mới được 3.000 người" ông Thơ cho biết thêm.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các trung tâm y tế lớn hỗ trợ Đà Nẵng trong việc tiến hành xét nghiệm, để có thể kiểm soát được, đánh giá bức tranh và tình trạng lây nhiễm trong cả cộng đồng. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế lập các trạm xét nghiệm di động để rút ngắn thời gian nhằm đưa ra các phương án.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP