Trong tỉnh

Huyện Thanh Chương, Nghệ An: Nỗi lòng dân vạn chài mong chờ khu tái định cư

Hi vọng được lên bờ để an cư của hàng trăm người dân vạn chài xóm Vận Tải (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cứ tắt dần bởi dự án tái định cư "treo" hết năm này qua năm khác. Họ đành liều dựng nhà tạm ven sông bất chấp nguy hiểm khi mưa bão, lũ lụt tràn về.

Những ngôi nhà tạm mong manh bên bờ sông. ẢNH: V. ĐỒNG

Mất niềm tin vào dự án tái định cư

Năm 2010, dự án xây dựng khu tái định cư kiểu mẫu cho người dân vạn chài ở Khe Mừ (xã Thanh Thủy) được khởi động với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đưa hàng trăm người dân xóm Vận Tải lên đất liền. Khi dự án được khởi công, người dân vui mừng, ngày đêm mong ngóng được thoát khỏi những con thuyền chật hẹp, quanh năm chòng chành theo sông nước.

Hơn nữa, khu tái định cư sẽ có trường lớp, đường điện, người dân sẽ không phải lo con cái thất học. Những lúc mưa bão, họ sẽ không phải sống trong sợ hãi. Thế nhưng kể từ khi khởi công đến nay đã gần 10 năm, người dân vẫn chưa được di dời, phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi mưa bão tràn về. "Lâu lắm rồi chúng tôi cũng không nghe tin tức gì về dự án tái định cư nữa. Chờ đợi mãi cũng không được, nhiều người đánh liều xây những căn nhà tạm ven song, dù biết không được phép", một người dân xóm Vận Tải nói.

Chỉ về những căn nhà tạm nằm cách mặt sông khoảng 20m, một người dân phân trần: "Không có tiền nên những nhà tạm này cũng rất đơn giản. Nhà thì cần 4 trụ, nhà lớn hơn thì 6 trụ cao khoảng 2m. Dựng xong trụ, chúng tôi sẽ tự mua những thanh thép hàn vào trụ làm nền rồi ghép gỗ vào. Xong nền, chúng tôi làm khung nhà rồi quây 4 tấm tôn lại. Những nhà tạm này được làm khoảng 3 tháng trở lại đây nên cũng chưa kiểm chứng được trước mưa bão có an toàn không".

Nghe vậy, ông Nguyễn Đình Tuất (60 tuổi, ở xóm Vận Tải) chia sẻ: "Dù sao thì những căn nhà tạm này còn an toàn hơn nhiều khi ở dưới thuyền mùa mưa bão. Dựng nhà là sai, chính quyền cũng đã đến nhắc nhở nhưng chúng tôi biết làm sao khi dự án tái định cư "treo" gần 10 năm nay. Chúng tôi phải chờ đợi đến bao giờ khi dự án vẫn án binh bất động?".

May mắn hơn các hộ dân ở cùng xóm, anh Ngũ Vân Quang (43 tuổi) đã làm liều khi vay mượn tiền ngân hàng, anh em, cộng thêm số tiền hai vợ chồng dành dụm để mua một căn nhà nhỏ ở trong xóm này. "Ngày trước, cả gia đình chúng tôi gồm 5 người sống chen chúc ở dưới thuyền. Nghe tin sẽ được tái định cư ở Khe Mừ, chúng tôi mừng lắm. Vui nhất là mẹ tôi khi đó gần 70 tuổi cứ mơ lên đất liền sẽ nuôi gà, trồng rau đi bán kiếm thêm thu nhập. Thế rồi, vài năm sau dự án vẫn "đắp chiếu". Trong thời gian chờ đợi được sống trong khu tái định cư, mẹ tôi bị phát hiện ung thư. Thương mẹ quá, tôi bàn với vợ vay mượn mua căn nhà nhỏ để thỏa mong ước của mẹ được lên đất liền sống. Thế mà lên nhà được 6 tháng thì mẹ tôi mất", anh Quang rưng rưng nước mắt kể.

Không biết dự án khi nào sẽ hoàn thành?

Ông Bùi Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết, ban đầu theo danh sách được đến khu tái định cư thì xóm Vận Tải có khoảng 40 hộ với gần 200 khẩu. Nhưng dự án chậm trễ, kéo dài nhiều năm khiến số hộ cũng như nhân khẩu đã thay đổi nhiều.

Nói về dự án tái định cư này, ông Lĩnh cũng ngán ngẩm khi không biết dự án lúc nào sẽ được tái khởi động. "Có hỏi, có kiến nghị nhưng xã chỉ được biết là dự án thiếu vốn. Còn giải pháp trước mắt cho người dân xóm Vận Tải, chúng tôi cũng chỉ biết chờ. Chính quyền biết việc người dân tự ý xây dựng nhà tạm ở ven sông, nhưng xử lý cưỡng chế thì không đành bởi họ đều là những hộ nghèo, cận nghèo. Nếu cưỡng chế, tháo dỡ thì họ sẽ ở đâu khi thuyền phần lớn đã hư hỏng, không thể sử dụng được", ông Lĩnh tâm sự.

Trong khi đó, ông Phan Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (nơi có dự án tái định cư) cho biết: "Dự án nếu thực hiện đúng tiến độ, người dân được đến ở thì chúng tôi rất vui. Bởi ngoài phát triển kinh tế, việc giữ vững an ninh trên địa bàn sẽ vững vàng hơn vì đây là vùng biên. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn "án binh, bất động", hiện nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng".

Cũng theo ông Trinh, chính quyền địa phương đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) phải có những giải pháp mạnh, rốt ráo để hoàn thiện dự án, đưa công trình vào hoạt động. Phía Chi cục Phát triển nông thôn đề nghị huyện, xã cứ đưa dân vào sau đó mới hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý phương án này. Quan điểm của huyện, xã là phải hoàn thiện dự án, bàn giao thì mới thực hiện các bước tiếp theo. Giờ dự án dở dang, đưa người dân vào ở sẽ bất cập vì đây là vùng đồi núi, trong khi dân vạn chài quen sông nước. Bao nhiêu khó khăn, vất vả người dân lại phải gánh chịu.

Theo quan sát của chúng tôi, đường vào khu tái định cư không có một bóng người. Đường được rải nhựa, tuy nhiên nhiều đoạn đã hư hỏng, bong tróc. Nhiều cột điện được dựng lên hai bên đường nhưng chưa có đường dây kéo vào. Nhà văn hóa cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo đứng trơ giữa nắng mưa, giờ là nơi "nghỉ chân" cho trâu bò.

Ông Phan Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy nói: “Dự án cứ “treo” như thế này thì lãng phí vô cùng. Ngày trước chúng tôi đã giải tỏa, đến bù để có gần 300ha cho dự án. Thế nhưng giờ bỏ hoang rất lãng phí. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân Thanh Thủy cũng đã có ý kiến về công trình này nhưng nhiều năm nay công trình vẫn cứ "treo". Không biết khi nào người dân vạn chài mới được lên bờ?”.

Tác giả: Vũ Đồng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP