Trong tỉnh

Hơn 2.500 cán bộ dôi dư cần có chính sách hỗ trợ

Sáng ngày 20/7, tại TP Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 khai mạc kỳ họp thứ 15. Kỳ họp sẽ nghe 26 báo cáo, thông báo của UBND tỉnh; trong đó, có Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư.

Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An lần thứ 15 khóa 17 sẽ trình Nghị quyết về chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.


Cụ thể, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét quyết nghị thông qua 22 dự thảo nghị quyết như Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020; Nghị quyết phê duyệt tổng số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp và tổ chức Hội năm 2021; Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và trưởng Công an xã, thị trấn, phó trưởng Công an, Công an viên thường trực cấp xã do bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã...

Đối với Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và trưởng Công an xã, thị trấn, phó trưởng Công an, Công an viên thường trực cấp xã do bố trí công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã... Ngày 17/6 vừa qua, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 3788/TTr-UBND do ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký.

Theo Tờ trình, cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Qua thống kê, hiện tỉnh Nghệ An có 784 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư theo Nghị định 34; 701 Phó trưởng Công an xã và 1.109 Công an viên thường trực dôi dư do thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn.

Mục đích là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức phường xã dôi dư theo NĐ 34. Hỗ trợ một phần kinh phí để động viện cán bộ, công chức, những người hoạt đông không chuyên trách cấp xã góp phần ổn định cuộc sống khi nghỉ công tác thôi việc.

Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ thực hiện 1 lần đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn dôi dư do thực hiện Nghị định số 34. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An có phương án hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn 55 tuổi trở lên đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đủ 50 tuổi trở lên đối với nam và 45 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, trong đó có 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp; Hỗ trợ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các trưởng hợp nghỉ thôi việc ngay.

Ngoài ra, Tờ trình cũng nêu rõ, hỗ trợ một lần đối với Phó trưởng Công an, Công an viên thường trực. Cụ thể, ngoài chế độ chính sách được hưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP và các chính sách khác theo quy định của pháp luật thì được hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng.

Cũng trong buổi khai mạc HĐND tỉnh Nghệ An sáng ngày 20/7, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã nêu 4 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến HĐND, UBND tỉnh. Đối với ý kiến về sáp nhập xã, phường, thị trấn và khối, xóm, bản.

Theo bà Sinh, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tham mưu xử lý có hiệu quả những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập liên quan đến xử lý cán bộ dôi dư, nhất là số cán bộ không chuyên trách; giải quyết về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khi tăng quy mô xã và xóm sau sáp nhập, đồng thời có phương án xử lý cơ sở vật chất thừa sau sáp nhập; hướng dẫn cụ thể chế độ làm việc của những người hoạt động không chuyên trách tại các khu dân cư đảm bảo thống nhất trong toàn tỉnh.

Đơn cử như tại huyện Nam Đàn, thực hiện việc sáp nhập 8 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 đơn vị mới. Do đó, phải thực hiện sắp xếp 162 cán bộ, công chức, trong khi đó theo quy định, 3 xã mới chỉ bố trí 69 người (23 người/xã), dư 93 người so với quy định. Sau sáp nhập có 98 cán bộ hoạt động không chuyên trách, huyện Nam Đàn đã bố trí, sắp xếp được 36 người; dôi dư 57 người, hiện đã giải quyết nghỉ việc.

Theo ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề nhưng phải đảm bảo được sự nhân văn trong giải quyết.

Đồng thời ông Quế cũng đề xuất các cơ quan cấp trên, đặc biệt là Chính phủ và Bộ Nội vụ cần có chính sách để hỗ trợ riêng cho số cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập xã nghỉ chế độ 1 lần để giải quyết, đảm bảo quyền lợi và bộ máy đi vào hoạt động tinh gọn, hiệu quả, nhất là những cán bộ, công chức có tuổi đời nam dưới 55, nữ dưới 50, có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm.

“Thực ra với việc bố trí cấp trưởng sau sáp nhập xuống làm cấp phó nhưng vẫn ăn lương công chức dù thực tế họ thuộc diện cán bộ bán chuyên trách như hiện nay thì về bản chất vẫn không phải là giảm biên chế. Do vậy cần một chính sách đủ mạnh để đội ngũ cán bộ thuộc diện dôi dư sau sáp nhập cảm thấy nhà nước đảm bảo quyền lợi cho họ để họ yên tâm chuyển sang một công việc mới”, ông Đinh Xuân Quế kiến nghị

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP