Đẹp

Gạt bỏ nỗi lo nổ túi ngực cho phái đẹp

Theo bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, túi ngực có thể bị rách, thủng… chứ không thể xảy ra chuyện bị nổ do áp lực khi đi máy bay.

Để có được “đôi gò bồng” ưng ý, ngoài cách thức phẫu thuật, thì lựa chọn túi ngực phù hợp là điều hết sức quan trọng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân hỏng túi ngực

Chuyện chuyến bay đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng để cấp cứu một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực, sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay. Điều này đã gây hoang mang cho phái đẹp, nhất là các chị em đã đặt túi ngực trước đó.

Trước trường hợp này cũng đã từng có thông tin nữ ca sĩ Ivy Trần nổ túi ngực khi đi máy bay. Tuy nhiên, sau khi phân tích thì trường hợp này chỉ là bị rò dịch silicon.

Nhận định về trường hợp được cho là nổ túi ngực mới đây, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) đã có những phân tích nhằm gạt bỏ nỗi lo cho phái nữ. Theo TS Việt Dung, nâng ngực là làm tăng kích thước vòng 1 bằng túi độn, hoặc mỡ tự thân lấy từ chính cơ thể, đây là hai phương án được ưa chuộng trong giới thẩm mỹ làm đẹp.

Với trường hợp mới đây cần phải xác định thời gian khách hàng mổ đặt túi đã bao lâu. Trường hợp mới thực hiện được vài ngày hay một tuần, nguy cơ chảy máu ra ngoài vết mổ là có (thường do bật các chỗ đốt cầm máu ở các mạch máu lớn ở tuyến vú hay ở dưới da). Hiện các loại túi độn ngực đang sử dụng được cấu tạo bởi vỏ là chất liệu tổng hợp dẻo, dai và bền, bên trong chứa silicon dạng gel, rất bền với áp suất.

Không có chuyện túi ngực vỡ do áp suất máy bay. Bình thường túi độn ngực có thể để ôtô chèn qua mà không vỡ. Nếu không có lỗi kỹ thuật, túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh sau khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi và túi vỡ dưới dạng từ từ rò rỉ silicon gel ra khoang quanh túi chứ không phải nổ tung xé vỡ cả da làm chảy máu lênh láng như mọi người tưởng tượng.

"Kể cả có thủng vỡ túi thật cũng không phải là trường hợp tới mức cấp cứu phải hạ cánh máy bay. Hơn nữa, một áp suất mạnh trên máy bay nếu tác động gây vỡ được túi ngực thì sẽ gây tổn thương cơ quan bộ phận của cơ thể trước", BS Dung cho hay.

Đồng quan điểm TS.BS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho rằng, phương pháp nâng ngực đặt túi silicon hiện nay khá an toàn. Không thể xảy ra hiện tượng "nổ" túi ngực vì túi ngực có thể bị rách, bị thủng và chảy silicon trong trường hợp có tổn thương với bao túi ngoài nhưng không thể bị nổ.

Trường hợp rách là do để lâu, túi ngực có thể "lão hóa" do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng mặt túi, tạo ra các nếp gấp. Các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách gây thoát dịch silicon gel từ trong túi ra ngoài. Hoặc do chất lượng của túi kém chất lượng, bị vật nhọn đâm…

Mọi người không nên quá hoang mang về việc nổ túi ngực. Trong trường hợp có vỡ thì xử lý không quá khó khăn. Nếu vỡ lâu dung dịch trong túi ngực mới thấm vào các mô ở ngực, thường trên 20 năm mới gây ảnh hưởng như làm xơ cứng mô. Đa phần các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ đều có thể mổ lấy ra hoặc đưa túi ngực khác vào.

Ngực sau khi nâng sử dụng bao lâu?

TS. BS Phạm Thị Việt Dung cho hay, sau khi nâng ngực bệnh nhân có thể làm việc, sinh hoạt, chơi thể thao, lao động hoàn toàn bình thường và không bao giờ phải lo lắng về việc túi ngực có thể bị vỡ khi đi máy bay.

Trường hợp chảy máu có thể do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến vết thương bị ảnh hưởng, đau nhói, thậm chí 2 tháng sau "dao kéo" nhiều người vẫn có cảm giác này. Vì vậy, bệnh nhân mới nâng ngực khi đi máy bay cần có người đi cùng để xách giúp hành lý nặng. Khi thao tác giơ tay lên cất hành lý có thể ảnh hưởng tới vết thương, đặc biệt là đường nách.

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thọ, chất lượng cấu thành nên túi ngực sẽ quyết định đến việc silicon có thể rò rỉ ra bên ngoài hay không sau một thời gian dài sử dụng. Thường độ bền túi ngực rất lâu nhưng độ "lão hóa" của túi là không thể tránh khỏi. Chị em cần đi khám theo đúng lịch hẹn, sau đó là chế độ theo dõi xa sau 5 - 7 năm nâng ngực. Sau 10 năm bệnh nhân cần phải định kỳ đi kiểm tra 6 tháng/lần để được khuyến cáo khi nào cần thay túi ngực.

Hay khi có những dấu hiệu bất thường sưng, đau vùng ngực hoặc thấy dấu hiệu ngực bị biến dạng, xẹp, không còn nằm đúng vị trí cần đến chuyên khoa khám, xử lý. Nếu để tình trạng này kéo dài, ngực sẽ hình thành lớp bao xơ dầy quanh túi vỡ, gây biến dạng bầu ngực.

Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mĩ khuyến cáo, phẫu thuật nâng ngực có hai biến chứng khi nâng ngực. Đó là biến chứng ban đầu như tụ máu, nhiễm trùng hoặc xa hơn sau phẫu thuật là co bao xơ, sẹo vết mổ xấu, lệnh ngực và hội chứng tiết dịch muộn… Nguyên nhân tiết dịch khoang muộn hiện nay chưa rõ, nhưng có thể là do phản ứng của cơ thể với túi đặt hoặc do nứt của túi nâng ngực từ co bao xơ. Bệnh nhân có triệu chứng đau, một bên ngực to hơn bình thường.

Hơn nữa, để có được "đôi gò bồng đảo" ưng ý, ngoài cách thức phẫu thuật, lựa chọn túi ngực phù hợp là điều quan trọng. Hiện nay có hai dạng túi ngực đó là dạng tròn và giọt nước. Tùy theo cấu trúc cơ thể và nhu cầu của mỗi người sẽ có túi nâng ngực phù hợp. Những người thích ngực kiểu tự nhiên thì sẽ chọn túi dạng giọt nước, còn thích căng đầy kiểu sexy sẽ chọn dạng tròn.

Do đó, để phẫu thuật nâng ngực an toàn và lâu bền, tránh tình trạng phải tháo ra hay biến chứng, bệnh nhân cần thực hiện ở bệnh viện uy tín để được tư vấn kĩ. Người bệnh cũng được khám sức khỏe cẩn thận trước khi phẫu thuật để tránh rủi ro do các bệnh tiềm ẩn, mạn tính…

Tác giả: Hà Dương – Hà My

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP