Xã hội

Cây tiết rượu của người Cơ Tu

Người dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) truyền tay nhau cách lấy nước từ thân Tr’đin rồi cho vỏ cây lên men tạo thành rượu.

Kết thúc công việc trồng lúa trên núi, anh Alăng Zênh, xã A Xan (Tây Giang, Quảng Nam) xách cây rựa khoảng 50 cm, đầu nhọn hoắt và can nhựa đi vào khu rừng kế bên. Men theo con đường mòn, chừng 15 phút sau, anh tới cây Tr’đin cao hơn 5 m, thân thẳng đứng. Ở đó, có một cái thang làm bằng hai cây tre, hai đầu dùng dây rừng khóa chặt vào gốc và thân cây Tr’đin.

Anh Zênh mang can và rựa trèo lên thang lấy rượu. Ảnh: Đắc Thành.

Anh Zênh cầm can nhựa và rựa bắt đầu trèo lên, khi đến đoạn giữa thân cây thì dừng lại. Ở đó, có một can nhựa treo sẵn, nối với thân cây bằng đường ống nứa, nước nhỏ giọt tí tách. Trong can có hơn một lít nước, anh Zênh đổ sang can mang theo và dùng rựa khoét một lỗ nhỏ vào thân cây, treo chiếc can lại vị trí ban đầu. Anh chỉnh sửa ống dẫn nước từ thân cây ra can rồi đi xuống.

Người đàn ông Cơ Tu đi đến những cây Tr’đin khác để lấy nước. Khi trèo xong năm cây, can đã đầy nước. Mỗi ngày thân cây cho hơn một lít, cây ít thì nửa lít. Cây Tr’đin sinh sống ở khu vực ẩm ướt, thường mọc hai bên suối, cao gần 10 m.

Để lấy được nước cây Tr'đin trước hết người dân phải làm thang bắc lên, tại nơi thân cây giáp với cành sẽ đục lỗ, khoét sâu vào. Khi đến chỗ thân cây mềm, có màu trắng thì để ống nứa dẫn ra can. Vị trí thích hợp để lấy nước cây được tính từ ngọn xuống, chừa lại bốn cuống lá già. Tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá, người Cơ Tu gọi là Cr’dôôm.

Sau khi lấy rượu, anh Zênh đục vào thân cây để nước chảy ra. Ảnh: Đắc Thành.

"Khi đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm thì nước nhiều, ngược lại nếu đọt cứng, màu vàng thì nước ít", anh Zênh tiết lộ. Việc lấy nước Tr’đin chỉ mất nhiều thời gian để làm thang, còn sau cứ trèo lên đến nơi lấy rồi rồi đục một lớp mỏng mới để nước chảy ra, khi nào thang mục thì thay lại.

Anh Zênh cũng như bao người khác từ lúc nhỏ được cha ông truyền kinh nghiệm lấy nước Tr’đin. Từ nước cây, thêm một loại men là vỏ cây chuồn sẽ hình thành rượu. Vỏ cây có hai loại với tên gọi Apăng và Zuôn. Người Cơ Tu lột vỏ hai loại cây này ở trong rừng phơi khô, sau đó bỏ vào can. "Vỏ cây có tác dụng tăng nồng độ rượu, không làm hỏng nước Tr’đin", anh giải thích.

Từ tháng 4 đến 7 trời nắng nóng, cây tiết ra nhiều nước nhất. Mỗi ngày cây cho 1-2 lít, khi lấy rượu cây vẫn phát triển. "Tr’đin qua sáu năm tuổi thì bắt đầu đục, người nào dựng thang đục cây hứng rượu thì người đó sở hữu, không ai xâm phạm. Người Cơ Tu không trộm cắp của ai hết, nếu bị phát hiện sẽ bị làng phạt", anh Zênh nói.

Cầm can rượu năm lít về làng, anh Zênh gọi những người hàng xóm đến thưởng thức. Rót thứ nước có màu màu trắng đục ra bát, già làng PơLoong Jim nói, Tr’đin không giống như rượu dưới xuôi. Loại này uống say không đau đầu, vì được lấy từ thiên nhiên, không có chất hóa học.

Rượu Tr'đin có màu đục. Ảnh: Đắc Thành.

Theo già làng, sau những ngày lam lũ trên nương rẫy, có Tr’đin uống thì "sảng khoái vô cùng", vị vừa ngọt, vừa chua cay. Người Cơ Tu ai cũng biết uống, mỗi lần đều "âm lúc" (trong tiếng Cơ Tu nghĩa là uống hết).

"Rượu Tr’đin có thể để được vài tháng, nhưng phải thay vỏ cây chuồn thường xuyên thì uống mới ngon, không hỏng. Ngoài ra, khi đổ ra thì phải uống hết, không được rót ra, rót vào nhiều lần, làm rượu dễ bị chua", già Jim tiết lộ.

Uống Tr’đin, người Cơ Tu cũng có nguyên tắc riêng. Cho rằng đó là rượu của thần linh ban cho, khi uống họ không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng. "Mình làm vậy, thần linh sẽ phạt bằng cách làm cho cây Tr’đin sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian", ông Jim nói.

Huyện Tây Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu nước cây Tr'đin đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy rượu có mùi đặc biệt, vịt ngọt hơi chua, độ Ph 4.10 trong tỷ trọng D=0.993, có glucozơ, không có đường nhân tạo, nồng độ ethanol là 7,15% trong thể tích thử nghiệm.

"Huyện đang nghiên cứu để phát triển thành một mặt hàng. Để có nguyên liệu sản xuất, chính quyền có chương trình hỗ trợ trồng thêm cây Tr’đin trên nương rẫy với mức 5.000 đồng mỗi cây", Bí thư Huyện ủy Bríu Liếc nói.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang Nguyễn Huy Thông cho biết thêm, trung tâm chưa ghi nhận trường hợp nào uống rượu Tr'đin bị ngộ độc, nguy kịch phải cấp cứu. "Loại rượu này được người dân sử dụng từ nhiều đời nay", ông nói.

Tác giả: Đắc Thành

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP