Trong tỉnh

Các chuyên gia nói gì về ý tưởng phục dựng Văn miếu Nghệ An?

Trước những dư luận trái chiều về việc phục dựng Văn miếu Nghệ An, một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa đề xuất phương án xử lý.

Di tích Văn miếu Nghệ An (Văn Thánh Vinh) nay đã thành phế tích. Ảnh: Quang Đại

Thời gian qua, dư luận tại Nghệ An xôn xao xung quanh đề xuất triển khai dự án phục dựng Văn miếu Nghệ An tại TP. Vinh. Phía đề xuất dự án cho rằng đây là dự án để “tôn vinh đạo học”, “giáo dục truyền thống hiếu học” cần thiết và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn phản đối vì cho rằng dự án không thiết thực, ngân sách chi hàng trăm tỉ đồng để khơi gợi lại lối học hành, đào tạo từ chương, xa rời thực tế, trong khi nhân vật chính được thờ phụng ở đây là Khổng Tử còn nhiều tranh cãi.

Trước các luồng dư luận nói trên, tỉnh Nghệ An vẫn chưa có quyết định chính thức, trong khi dự án đã manh nha gần 20 năm. Qua tìm hiểu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, được biết UBND TP. Vinh và Sở Văn hóa Thể thao vẫn chưa trình dự án nói trên đề nghị phê duyệt.

Trước tình trạng trên, qua khảo sát dư luận, chúng tôi nhận thấy nhiều ý kiến đề nghị không triển khai xây dựng Văn miếu Nghệ An. “Không nên xây dựng lại Văn miếu Nghệ An, vì kiến trúc cũng không có gì đặc sắc, và đặc biệt là không phù hợp trong thời điểm hiện nay. Chỉ cần làm tấm bia dẫn tích tại vị trí Văn miếu xưa là được” – nghiên cứu sinh Lê Văn Hào (TP. Vinh) đề xuất.

Nhà nghiên cứu Cương Giang (Nghệ An), chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm, cũng không đồng tình việc xây lại Văn miếu, vì không có tác dụng thiết thực, lãng phí. Ông Cương Giang nói: “Nếu còn di tích, công trình xây dựng, thì nên bảo tồn vì đó là kiến trúc cổ. Còn xây mới thì không nên. Chỉ cần làm tấm bia dẫn tích là được. Không nên tư duy theo lối mòn”.

Thạc sỹ Đặng Khắc Thắng – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An chia sẻ: “Văn miếu Nghệ An là biểu tượng của đạo học xứ Nghệ, với truyền thống hiếu học, khoa bảng đáng tự hào. Tuy nhiên, theo tôi, không nên xây dựng lại Văn miếu Nghệ An theo mô hình cũ, mà nên suy nghĩ theo hướng xây dựng biểu tượng của đạo học, tôn vinh đạo học”.

Theo ông Đặng Khắc Thắng, công trình biểu tượng, tôn vinh đạo học nên có ý tưởng độc đáo, không theo lối mòn, tạo điểm nhấn, ấn tượng, sức thu hút mạnh mẽ và cũng không cần quá hoành tráng.

Biểu tượng này có thể xây dựng ở TP. Vinh, tại vị trí Văn miếu Nghệ An xưa, cũng có thể xây dựng ở làng Quỳnh Đôi, địa phương có truyền thống và thành tích học hành bậc nhất xứ Nghệ.

Tuy nhiên, điều khó khăn là, khi phóng viên đề nghị mô tả kỹ hơn về biểu tượng tôn vinh đạo học, phương án cụ thể triển khai, thì ông Đặng Khắc Thắng vẫn chưa có câu trả lời.

Về những khó khăn, bất cập trong ý tưởng triển khai dự án phục dựng Văn miếu Nghệ An, nhà nghiên cứu Cương Giang thẳng thắn: “Dự án Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai) rất nổi tiếng nhưng tôi vào khảo sát cũng thấy có không ít bất cập. Thực tế cho thấy khi triển khai các dự án về văn hóa phía chủ đầu tư đều có thuyết trình rất hấp dẫn nhưng rất nhiều dự án sau khi hoàn thành đóng cửa im lìm, không ai quan tâm, xuống cấp. Do đó, cần phản biện kỹ lưỡng trước khi triển khai, tránh đem tiền ngân sách chi tiêu phung phí”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP