Di tích Văn miếu Nghệ An (Văn Thánh Vinh) nay đã thành phế tích. Ảnh: Quang Đại |
Tính từ năm 1999 lần đầu tiên sở Văn hóa Thông tin lập hồ sơ, tỉnh đã đồng ý chủ trương phục dựng, tới nay là 21 năm Văn miếu Nghệ An vẫn chỉ là công trình trên giấy.
Gần đây dư luận về phục dựng Văn miếu Nghệ An (di tích tại TP. Vinh) lại nóng lên. Những lần trước chỉ có quan điểm một chiều là đồng thuận. Lần này có khác, bên cạnh ý kiến ủng hộ việc phục dựng, còn có thêm những ý kiến băn khoăn, thậm chí là không tán thành việc phục dựng Văn miếu Nghệ An.
Bên trong phế tích Văn miếu Nghệ An. Ảnh: Quang Đại |
Người đồng thuận thì cho rằng Văn miếu là biểu trưng cho tinh thần hiếu học của xứ Nghệ, có đủ điều kiện khoa học để phục dựng và cần phải phục dựng càng sớm càng tốt để tôn vinh và khơi dậy niềm đam mê kiếm con chữ để thoát nghèo của người Nghệ.
Người băn khoăn bởi Văn miếu có yếu tố thờ tự nước ngoài (thờ Khổng Tử và 72 vị học trò), di tích hiện chỉ còn là phế tích và đặc biệt là bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để phục hồi một lối học tầm chương trích cú của các vị tiền nho thì e rằng không khả thi, không tương thích với cuộc sống đương đại.
Ý kiến nào cũng tâm huyết và rất có trách nhiệm.
Tôi theo dõi câu chuyện này từ rất lâu. Nay xin nêu mấy suy nghĩ để mọi người tham khảo.
Trước hết, không thể phủ nhận yếu tố nước ngoài trong nội dung thờ tự của Văn miếu Nghệ An. Khổng Tử được thờ ở chính cung. Các học trò của Khổng Tử cũng được phối thờ ở nơi trang trọng của Văn miếu.
Tôi hiểu bối cảnh tư tưởng và lịch sử thời Nguyễn, khi tôn vinh đạo học đương nhiên được hiểu là Nho học. Khổng Tử là nhà khai sáng Nho giáo nên ngồi ở Văn miếu để mang ý nghĩa như một nghi thức tôn vinh là lẽ thường tình.
Điều cần suy nghĩ ở đây là, ngoài yếu tố Khổng Tử, Văn miếu Nghệ An còn có những gì gắn bó với dân tộc Việt và với xứ Nghệ?
Văn miếu là nơi hội tụ tinh khí của các bậc tiền Nho xứ Nghệ. Nội dung này của Văn miếu là quá đầy đặn khi những đại khoa danh tiếng nhất đều được khắc tên truyền đời vào bia đá để tôn vinh thờ tự như khai khoa Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Đào Tiêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, rồi Phan Đình Phùng, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc …Khi hợp tự văn chỉ, Chu Văn An đã được rước vào thờ tự như mang một thông điệp tự hào về ông tổ của các nhà nho nước Việt.
Đương thời Văn miếu đã tạo ra một hiệu ứng lớn khích lệ và cổ vũ truyền thống ham học, hiếu học, học để thành danh của các sỹ tử nói riêng cũng như người Nghệ nói chung. Sử sách còn ghi lại trong 105 năm từ triều vua Minh Mạng (1820) đến cuối triều vua Khải Định (1925) xứ Nghệ có 91 vị đại khoa và trường thi hương xứ Nghệ trở thành một trung tâm khoa bảng danh tiếng nhất nước Việt.
Tìm hiểu chi tiết thêm về Văn miếu, ta thấy dấu ấn và niềm tự hào dân tộc, dấu ấn và niềm tự hào về văn hiến xứ Nghệ có rất nhiều trong ý tưởng kiến trúc (hướng quay về Nam), trong nội dung của đại tự, văn bia, câu đối Hoan Châu văn khí thiên niên trụ, Học đạo chính tâm vạn cổ truyền.
Hãy cảm nhận lại Văn chuông do cựu đốc học trấn Nghệ An Bùi Dương Lịch soạn mỗi khi nghe tiếng chuông vang, dân chúng trong bản trấn tưởng nhớ đến các bậc tiên hiền các đời trước đã làm vẻ vang cho truyền thống của bản trấn.
Văn miếu Nghệ An còn là nơi ra đời của hội Tư văn Nghệ An và của Hoan Châu học chính (một cơ sở của tổ chức Đông kinh nghĩa thục); đồng thời Văn miếu cũng là nơi gặp gỡ đàm đạo chuyện văn chương thế sự, khơi gợi và hun đúc lòng yêu nước của nhiều thế hệ nhà nho xứ Nghệ.
Điểm lại chừng ấy giá trị văn hóa và lịch sử của Văn miếu Nghệ An, chúng ta cũng có thể có một thái độ thật công tâm, thật khách quan cho việc có nên hoặc không nên phục dựng lại Văn miếu Nghệ An.
Vấn đề còn lại là phải tính kỹ về phương án phục dựng. Bao gồm quy mô tổng thể, các hạng mục, nhân vật và nội dung thờ tự. Không nhất thiết phải làm to làm lớn, không nhất thiết Văn miếu xưa có gì thì nay phục dựng lại nguyên vậy. Hạng mục nào, nội dung nào không phù hợp có thể phải loại bỏ, làm cho Văn miếu thật sự là công trình văn hóa thuần khiết, có chiều sâu về niềm tin tâm linh, mang tâm hồn Việt và cốt cách Nghệ.
Văn miếu phải đúng nghĩa là địa chỉ tôn vinh và nuôi dưỡng dài lâu truyền thống ham học, hiếu học của người dân xứ Nghệ.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: Báo Lao Động