Trong nước

Bộ trưởng Y tế lý giải số ca mắc COVID-19 ở TPHCM, Bình Dương có xu hướng gia tăng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. TPHCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng do đang đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Trong giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22-28/8 tại 23 địa phương đã ghi nhận 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương đang tăng cường xét nghiệm diện rộng. So với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh thành còn lại cộng lại. 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước đó là Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Chiều 29/8, tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh ở TPHCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, cho biết, hầu hết các địa phương đã hoàn thành xét nghiệm đối với “vùng cam”, “vùng đỏ”. Tại “vùng xanh”, “vùng cận xanh” và “vùng vàng”, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ, kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%. Các địa phương sẽ chủ động tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Tại các địa phương còn lại ở miền Nam, dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre… có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây. Tại Hà Nội và các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên…, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn.

Ông Long nói rằng, tại TPHCM, xu hướng bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và đang có chiều hướng giảm do hiệu quả bước đầu của các biện pháp như triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TPHCM); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3). “Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhân lực y tế đã huy động trên 16.000 y bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam”, ông cho biết.

Tuyệt đối không để đứt gãy nguồn cung ôxy

Theo Bộ Y tế, kinh nghiệm từ TPHCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng ôxy y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19 rất cao, sử dụng chai ôxy dạng khí nén sẽ có nhiều hạn chế. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án triển khai thiết lập các cơ sở điều trị và chuẩn bị hạ tầng, thiết bị như chai, bình, bồn ôxy… để sẵn sàng nguồn cung ứng ôxy y tế cho cấp cứu, điều trị người bệnh trong tình huống ca mắc COVID-19 tăng cao.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thuộc tầng điều trị 2 (bệnh nhân mức độ vừa và nặng), tầng điều trị 3 (bệnh nhân rất nặng và nguy kịch) nghiên cứu, khẩn trương nâng cấp, lắp đặt hệ thống bồn chứa ôxy, thiết bị đầu cuối sử dụng ôxy hóa lỏng. Chủ động chỉ đạo, tính toán, lựa chọn hệ thống thiết bị phù hợp nhu cầu sử dụng ôxy y tế của địa phương, dự phòng đến mức sử dụng cao hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng ôxy y tế tăng đột biến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuyệt đối không để đứt gãy nguồn cung ứng ôxy y tế.

Tác giả: Hà Minh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP