Xã hội

Quỳnh Lưu: Phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo

Quỳnh Lưu là huyện có địa hình đa dạng, có 19,5km bờ biển trải dài ở 10 xã, với 8.052 lao động làm nghề khai thác hải sản - Lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo của Tổ quốc. Bởi lẽ, phần lớn thời gian ngư dân làm, sinh sống trên biển và họ luôn nghĩ rằng mỗi lần ra khởi là mỗi lần “về quê” và với họ "Tàu là nhà, biển cả là quê hương". Vì vậy, ra khơi không chỉ là mưu sinh, mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm, là cột mốc sống đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


keo+luoi
Các thuyền viên chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi


Nhận thức rõ vai trò của ngư dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất và bám biển dài ngày hơn như: Cho vay vốn tín dụng để đóng tàu mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần nghề cá, chương trình chăm sóc sức khỏe cho ngư dân, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, xây dựng nông thôn mới ở các làng chài ven biển… bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Cùng với các chính sách của các cấp, Hội Nông dân trong huyện đã làm tốt công tác phát động, tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào chuyển đổi nghề đánh bắt, khai thác hải sản gần bờ bằng ánh sáng sang đánh bắt xa bờ sử dụng lưới rê tầng đáy, lưới vây, chụp 4 sào, câu… gắn với sửa chữa, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi xa, nâng cao hiệu quả khai thác. Hiện nay, toàn huyện có 1.322 tàu thuyền, trong đó có 742 tàu có công suất trên 90CV; giải quyết việc làm ổn định cho gần 17.850 lao động (kể cả số lao động trực tiếp khai thác và lao động làm dịch vụ); tổ chức cắm cờ Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ trên các tàu thuyền; chỉ đạo thành lập 54 tổ, đội hợp tác đánh bắt. Tổ chức cho ngư dân sản xuất theo mô hình tổ, đội bước đầu góp phần quan trọng trong chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, chống đánh bắt trộm hải sản; góp phần giảm bớt chi phí sản xuất, giảm thiệt hại khi xảy ra tai nạn, hạn chế tính “tự phát, hoạt động đơn lẻ”, kém hiệu quả của ngư dân. Bên cạnh đó các cấp Hội, tổ chức tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân, từ đó góp phần nâng cao sản lượng, hiệu quả khai thác, bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo của Tổ quốc... Chính vì vậy, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản năm 2015 ước đạt 56.000 tấn. Các sản phẩm do ngư dân khai thác được các làng nghề, các công ty như: Minh Thành ở Quỳnh Long, Trường Hương ở Sơn Hải… thu mua để chế biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước; đồng thời xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước Trung Quốc, Lào… Cùng với đó là đầu tư hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc, gắn thiết bị (chíp) thu, phát tín hiệu từ vệ tinh giúp các tàu nhận được thông tin dự báo thời tiết, hướng dẫn hành trình tránh, trú bão, dự báo ngư trường và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản thuận lợi và có biện pháp khắc phục ảnh hưởng của thời tiết. Đồng thời, là cầu nối liên lạc trực tiếp giữa ngư dân với gia đình và tự động báo vị trí tàu về bờ (2 giờ/lần) tạo sự yên tâm giữa người thân nơi đất liền với các tàu thuyền nơi biển xa... Song song với đó là có các chính sách hỗ trợ dầu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, bảo hiểm y tế, chi phí mua vé phương tiện về nơi cư trú đối với các trường hợp xảy ra rủi ro xa nơi cư trú; hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất bị mất, bị hư hỏng nặng, trục vớt khi bị chìm đắm hoặc trôi dạt; đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, sự đồng hành, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác, tạo môi trường thuận lợi để ngư dân yên tâm bám biển.

Song song với khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển, các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc cho mỗi ngư dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân để ngư dân yên tâm khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước, để vừa phát huy được nghề truyền thống đảm bảo cuộc sống, vừa có điều kiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cho ngư dân kỹ năng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền Biển, Đảo, góp phần cùng quân, dân cả nước kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền Biển, Đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Tác giả bài viết: Tô Văn Thu (PCT HĐND huyện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP