Xã hội

Gặp người chiếu phim cho Bác Hồ

Lần chiếu phim cuối cùng cho Bác, mọi người cùng cười nhưng mắt lại rớm lệ.

Ông Thái Hữu Khang- người hơn chục năm gắn bó trong vai trò lễ tân và chiếu phim phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch chia sẻ.

Ông Thái Hữu Khang sinh năm 1933 trong một gia đình nông dân nghèo xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông có hơn 10 năm làm phục vụ trực tiếp Bác Hồ và sau đó đảm nhiệm vai trò chiếu phim phục vụ Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

rez 347 ảnh 1
Ông Khang thực hiện quay phim

Ở tuổi cổ lai hy, lúc nhớ lúc quên, nhưng khi nhắc đến Bác Hồ là ông lại như sống lại cách đây hơn 60 năm trước. Được phục vụ Bác là niềm vui, niềm vinh dự của ông.

Tháng 10 năm 1953, sau cải cách ruộng đất, ông được cử lên Chiến khu Việt Bắc làm công việc phục vụ trong Phủ Thủ tướng. Khi đến Chiến khu, ông được phân công về Ban kiểm tra 12 Văn phòng Phủ Thủ tướng, nhiệm vụ chính là làm lán trong Chiến khu Việt Bắc. Để đảm bảo bí mật và do yêu cầu công tác kháng chiến, Bác phải thay đổi chỗ ở luôn, do đó, phải làm nhà liên tục. Ông Khang cùng các đồng chí trong Ban kiểm tra 12 được tổ chức phân công dựng nhà lán cho Bác và các đồng chí Trung ương mỗi khi di chuyển đến chỗ ở mới. Và chính tại đây, lần đầu tiên, ông Khang được gặp Bác Hồ.

rez 562 ảnh 2
Ông Khang (đứng) có hơn chục năm làm lễ tân phục vụ Bác và các đoàn khách quốc tế

Ông bồi hồi nhớ lại: “Trong lúc đang làm việc, tôi thấy một ông già, tay chống gậy, đầu đội mũ đang rảo bước từ xa. Tôi xúc động lắm, đoán rằng đó là Bác Hồ rồi nhưng vẫn hỏi các anh em cùng làm là ông cụ ấy là ai, thì mọi người nói nhỏ với tôi, đó là Bác Hồ”.

“Với một người thanh niên trẻ như tôi lúc ấy, được nhìn thấy Bác là điều thiêng liêng lắm”!- Ông Khang khẽ nói.

Tháng 7 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Khang cùng anh em trong đơn vị hành quân về Hà Nội và nghỉ tại nhà khách Phủ Thủ tướng ở số 37 Hùng Vương. Bước đầu ông cùng một số anh em được giao nhiệm vụ vệ sinh, dọn dẹp Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Khu Phủ Chủ tịch).

Ông Khang kể: “Có lẽ lâu ngày ít người qua lại nên trong khu Toàn quyền lá cây phủ dày lối đi, cây hoang cỏ mọc cao. Sau một thời gian dọn dẹp, chỉnh trang, cảnh vật xung quanh Khu Phủ Chủ tịch có diện mạo khác hẳn. Tháng 12 năm 1954, Trung ương mời Bác về ở ngôi nhà lớn (vốn là dinh của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương) nhưng Người nói: “Ngôi nhà này đẹp đấy. Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa chữa làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi”.

rez 363 anh 3
Ông Khang (ngoài cùng bên phải) cùng các anh em phục vụ chụp ảnh lưu niệm cùng Bác năm 1968

Sau Bác đi tham quan các dãy nhà khác, đến một cản nhà nhỏ gần bờ ao, Bác nói để Bác ở nhà này. Bác ở nhà đó từ tháng 12 năm 1954 và từ đó, ngôi nhà có tên là Nhà 54.

Ông Khang kể tiếp: Bên cạnh ngôi nhà có một ao tù nước đọng dùng để cho thú ở vườn Bách Thảo sang uống nước. Khi Bác Hồ về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Người nói với anh em phục vụ là nếu cải tạo ao, tạo môi trường sạch sẽ để nuôi cá thì rất tốt.

Theo ý Bác, mấy hôm sau các đồng chí cảnh vệ bắt tay vào cải tạo, nạo vét sạch ao rồi cho thả cá chép, trắm cỏ, mè, rô phi… từ đó, nơi này thành ao nuôi cá để cải thiện đời sống cho anh em làm việc trong Phủ Chủ tịch và làm cho môi trường thêm trong lành.

Những năm tháng ở trong Khu Phủ Chủ tịch, số người phục vụ, giúp việc Bác không nhiều, do đó, ngoài công việc tạp vụ, ông Khang còn được phân công vào bộ phận lễ tân. Ông được cử đi học một lớp Nghiệp vụ lễ tân ở Bộ Ngoại giao để phục vụ khi có những đoàn khách lớn của nước ngoài, những buổi chiêu đãi tại Nhà khách Phủ Chủ tịch.

rez 98 anh4
Ông Thái Hữu Khang: Suốt đời không quên ngày cuối cùng chiếu phim phục vụ Bác

Đến năm 1955, Văn phòng muốn để Bác được nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc nên đã cử ông Khang đi học lớp chiếu bóng trong 3 tháng tại Trung tâm Chiếu phim của Bộ Văn hóa ở 67 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Sau khi học về, ông chính thức được giao thêm nhiệm vụ chiếu phim phục vụ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Máy chiếu phim của Liên Xô, do Bộ Văn hóa cấp, chiếu phim 35 ly. Tổ chiếu phim gồm ông Khang làm nhiệm vụ quay máy và một người nữa có giọng đọc tốt làm thuyết minh. Phim chiếu thường là phim Liên Xô và Trung Quốc được lấy từ Hãng phim Tài liệu.

Ông Khang cho biết, cứ thứ Năm hàng tuần ông đều đến Quốc doanh phát hành phim Trung ương ở Ngã Tư Sở và phát hành phim ở 67 Trần Hưng Đạo để liên hệ và lấy phim về chiếu thử cho đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Cù Văn Chước xem trước duyệt phim. Nếu được thì tối thứ Bảy mới chiếu để Bác xem.

Lịch chiếu phim là thứ Bảy hàng tuần, thời gian khoảng từ 19 giờ đến 21 giờ. Bác thường xem cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí làm việc, phục vụ trong cơ quan cùng vợ, con các đồng chí tại phòng khách Phủ Chủ tịch. Đó là những giờ phút Bác cháu thoải mái sau tuần làm việc.

Phòng chiếu được xếp vị trí ngồi như sau: Các cháu nhỏ ngồi trên cùng, bên trái là các đồng chí làm việc, phục vụ trong Phủ Chủ tịch cùng vợ. Bác Hồ ngồi bên phải, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi bên trái, hơi lui xuống một chút. Bên cạnh chỗ ngồi của Bác có kê một chiếc bàn nhỏ, đặt gạt tàn. Ông Khang kể, trong hàng chục năm trời ông chiếu phim phục vụ Bác, Bác Hồ chưa bao giờ bỏ về giữa chừng.

Ông Khang cho biết, các học sinh giỏi cũng được vào xem phim cùng Bác. Ngoài ra, chị em Ái Xuân, Ái Vân, con của nghệ sĩ Ái Liên cũng được vào múa, hát và xem phim với Người. Các phim được chiếu lúc là phim thiếu nhi, lúc là phim truyện, cũng có lúc là phim tài liệu hoặc phim tư liệu từ chiến trường gửi ra. Trước mỗi buổi chiếu phim, Bác thường bảo các cháu thiếu nhi múa, hát. Sau mỗi bài hát, Bá đều thưởng kẹo cho các cháu.

Đã nhiều năm Bác Hồ đi xa, ông Khang cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng những câu chuyện về Người vẫn còn ý đậm trong tâm trí ông.

Ông Khang bảo, kỷ niệm không thể nào quên là ngày cuối cùng được phục vụ Bác, khoảng ngày 20/8/1969. Bộ phim chiếu hôm ấy là phim phóng sự Bài ca giải phóng do hãng phim Việt Nam sản xuất và chỉ chiếu trong 40 phút để Bác khỏi mệt.

Thời gian này, Bác mệt và sợ nhân dân cả nước lo lắng nên các đồng chí bảo vệ yêu cầu phòng chiếu phim tắt điện khi Bác vào. Một đồng chí bảo vệ soi đèn phim xuống lối đi, còn hai chiến sĩ đỡ Bác hai bên đi vào. Thấy vậy, Bác góp ý cứ bật đèn lên. Sau vài giây, phòng chiếu phim sáng trở lại, trông Bác gầy hẳn.

Theo thường lệ, trước khi chiếu phim các cháu hay hát một bài Kết đoàn hoặc Giải phóng miền Nam và Bác hòa nhịp cùng các cháu. Nhưng hôm đó, khi đồng chí Vũ Kỳ lên bắt nhịp thì không ai có thể cất nổi tiếng hát. Không khí trầm lặng, trong tim mỗi người đều trĩu nặng niềm lo lắng. Cuối cùng, vì không ai cất nổi tiếng hát, đồng chí Vũ Kỳ phải hát thay. “Anh ấy đi lom khom, bắt hai tay sau lưng, giả làm con voi và hát: Con vỏi con voi, cái vòi đi trước…”. Mọi người cùng cười nhưng mắt lại rớm lệ. Bản thân ông Khang cũng thế./.

Ảnh Thảo Nguyên (chụp lại từ ảnh nhân vật cung cấp)

Tác giả bài viết: Thảo Nguyên (ghi)

  Từ khóa: cuối cùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP