Kinh tế

Xuất hiện doanh nghiệp giảm thời gian bán xăng dầu

Dù nhu cầu xăng dầu đã tăng cao hơn so với trước Tết trong khi nguồn cung còn bất ổn, tại các tỉnh miền Trung có hiện tượng doanh nghiệp giảm thời gian bán hàng.

Thời điểm này là vụ đánh bắt cá chính của ngư dân các tỉnh miền Trung, nên nhu cầu dầu dieezen tăng cao. Các DN vận tải cũng dần hồi phục cùng với sự khôi phục tăng trưởng kinh tế, theo đó nhu cầu xăng dầu cũng tăng hơn. Hiện nay, các tỉnh miền Trung chưa xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu nghỉ bán hay tăng giá.

Mấy ngày qua, hơn 100 cửa hàng xăng dầu ở TP Đà Nẵng đều hoạt động bình thường, không có cửa hàng nào đóng cửa. Bà Đoàn Thị Hồng Vân, quản lý cửa hàng xăng dầu Vân Xuân, ở đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ Tết Nhâm Dần đến nay, cửa hàng xăng dầu này vẫn hoạt động bình thường. “Cây xăng hoạt động bình thường, giá bán đều được niêm yết công khai và tuyệt đối không có cây xăng nào đóng cửa, nghỉ bán. Nguồn hàng cung cấp có đầy đủ và không có tình trạng người dân đổ xô đi mua tích trữ xăng dầu. Cục quản lý thị trường thành phố cũng bắt buộc các cửa hàng phải niêm yết giờ mở bán và giờ đóng cửa hàng”, bà Vân cho biết.

Một cửa hàng xăng dầu Ngô Đồng, ở gần Bến xe phía Bắc thành phố Huế.

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 181 cửa hàng xăng dầu cố định và 14 tàu kinh doanh xăng dầu cung cấp nhiên liệu đến tàu thuyền đánh bắt trên biển. Trong thời gian trước, trong và sau tết Nhâm Dần, tỉnh đã chỉ đạo theo dõi sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu, chưa phát hiện tình trạng khan hàng, găm hàng để chờ điều chỉnh giá. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm, lập đường dây nóng để ghi nhận ý kiến phản hồi của người dân khi phát hiện tình trạng găm hàng, nâng giá tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Nam dự báo tình hình tiêu thụ xăng dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2021 do các hoạt động sản xuất kinh doanh đang từng bước phục hồi. Ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, chiều nay (10/2), Sở sẽ có buổi làm việc với 6 DN phân phối xăng dầu trên địa bàn để nắm bắt khả năng cung ứng, thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung, không gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

“Thương nhân nào thấy không đủ khả năng cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, phải báo cáo với Sở để có kế hoạch làm việc với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối để điều chỉnh. Sau khi những thương nhân đảm bảo việc cung cấp xăng dầu sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ để kết luận được nguyên nhân vì sao các cửa hàng ngừng bán hoặc bán cầm chừng”, ông Dự cho biết.

Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một số DN kinh doanh xăng dầu kêu khó trong việc mua bán. Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua giám sát, các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường; không xảy ra tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động dài ngày hay bán cầm chừng.

“Đến thời điểm hiện tại, các cửa hàng đều kinh doanh hoạt động bình thường. Trong thời gian tới Cục quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là thời gian gần sát với thời gian điều chỉnh giá theo quy định của Chính phủ. Cục cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm phát hiện cơ sở kinh doanh găm hàng để nâng giá, bán giá không đúng quy định sẽ phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm”, ông Quang cho biết.

Hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động với 103% công suất, vận chuyển thuận tiện đến các tổng kho cũng như các cửa hàng bán lẻ để cung cấp cho thị trường. Tổng kho xăng dầu Đà Nẵng tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn hiện có sức chứa gần 80.000m3, trang thiết bị công nghệ hiện đại; hệ thống cấp phát hàng hóa và quản lý tồn kho được tự động hóa phục vụ đắc lực yêu cầu nhập xuất xăng dầu cho khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Tại Đà Nẵng, tất cả các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.

Ông Trần Văn Nhân, quyền Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 5 (Petrolimex Đà Nẵng) cho biết, mạng lưới cửa hàng bản lẻ của Công ty tại 2 địa phương là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với 80 cửa hàng xăng dầu và 6 cửa hàng chuyên doanh GAS-DMN, chiếm 50% thị phần. Hiện lượng xăng dầu tại Tổng kho Đà Nẵng và các cửa hàng đủ nguồn cung cho thị trường.

“Thời điểm hiện nay, Petrolimex Đà Nẵng đáp ứng đủ nguồn cung cho các cửa hàng của mình trên địa bàn. Các đơn vị vẫn thực hiện đúng giá bán lẻ theo quy định của liên Bộ. Về nguồn cung, Petrolimex Đà Nẵng đảm bảo nguồn cung cho tất cả cửa hàng bán lẻ của Petrolimex trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam. Nói chung trong mọi tình huống, Petrolimex đều đáp ứng đủ 100% nguồn hàng tất cả các mặt hàng”, ông Nhân khẳng định.

Việc cung ứng xăng dầu tại các tỉnh miền Trung do các DN xăng dầu có Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang giữ thị phần đa số. Đó là hệ thống cửa hàng xăng dầu thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội vẫn hoạt động phủ khắp. Các đại lý, cửa hàng xăng dầu tư nhân chiếm thị phần rất nhỏ nên không có tình trạng găm hàng, bán xăng dầu nhỏ giọt khi thị trường biến động./.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP