Một anh bạn lên tiếng: Nhờ bà con biết áp dụng KHKT và chuyển đổi cây trồng nên ngày 3 bữa cơm trắng, nước trong, không còn cảnh ăn dặt ngô như trước. Còn đường làng cả 8/8 thôn đều to rộng, vững chắc nhờ chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn tiền công và cát sỏi do dân đóng, tính ra mỗi khẩu từ 1 tháng đến 80 tuổi đóng góp 600.000 - 700.000 đồng. Chỉ tiếc rằng đường dân góp, làm to đẹp, nhưng dự án xóa cầu khỉ, cầu tạm cấp trên đầu tư thì đợi mãi không thấy.
Ông bạn đưa tôi đi xem cây cầu khỉ nối xóm 2 với thôn Cây Chanh rồi bảo: Ông thấy chưa, đường dân làm đã to rộng, còn cầu nghe nói Nhà nước bỏ tiền xây đã gần chục năm nay vẫn không thấy đâu.
Cây cầu vắt vẻo qua khe Quán, nay đã xuống cấp nghiêm trọng nên bà con càng lo sợ mỗi khi đi qua. Tôi quan sát kỹ, thấy cầu được làm bằng 4 cọc sắt dựng lên làm trụ đứng, 2 đoạn bê tông gác ngang và 6 thanh đường ray bắc dọc dày khoảng 5cm, dài 2m, rộng 0,7m, hai bên thành cầu không có lan can bảo vệ. Một số tấm xi măng đã bị hỏng, gãy.
Tôi hỏi anh bạn từ mặt cầu xuống đáy khe khoảng bao nhiêu mét, anh bạn nói từ 12 - 15m. Lại hỏi cầu thế này mà dân vẫn thường xuyên qua lại không sợ tai nạn rơi xuống khe sao. Anh bạn cho biết, đã có nhiều vụ tai nạn, người rơi xuống nhưng may mắn là chỉ xây xát, chưa có ai chết.
Thú thực tôi đi bộ qua cầu mà chân vẫn run, các tấm lót nhiều chỗ khập khiễng, thế mà cánh thanh niên vẫn đi xe máy qua, cả ban đêm nghe mà thấy sợ. Tôi sải chân đo chiều dài cầu dài khoảng 25m. Một bác cán bộ miền Nam tập kết ở lại xây dựng Nông trường Bãi Phủ nay đã nghỉ hưu nhà gần đó nói: Bà con thôn Cây Chanh chờ cả chục năm rồi không thấy ai đến khảo sát thiết kế, xây cầu mới. Chỉ lo cầu yếu, khe sâu, nhất là mùa mưa lũ đi lại rất nguy hiểm.
25m cầu nối hai thôn với 343 hộ hơn 1.360 khẩu. Hai thôn có 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 liệt sỹ hy sinh và nhiều thương bệnh binh, nhân dân hai thôn là bà con miền xuôi lên đây xây dựng kinh tế mới năm 1963 và cán bộ, công nhân Nông trường Bãi Phủ đã nghỉ hưu, trong đó có hơn 20 người là cán bộ miền Nam tập kết, sau đó ở lại xây dựng nông trường. Họ khát khao lắm một cây cầu. Bà con đã đóng góp công sức, tiền của tự làm đường NTM, chỉ còn cây cầu vẫn đêm ngóng ngày trông.
Được biết xã Đỉnh Sơn đang phấn đấu về đích NTM trong năm 2016, nếu không được đầu tư xây dựng cầu dân sinh thì nghịch lý sẽ xảy ra: Xã đạt chuẩn NTM, dân vẫn phải đi cầu khỉ.
Tác giả bài viết: Phùng Văn
Nguồn tin: