Trong nước

Xa hoa và xa dân

Trong mắt người dân, mọi biểu hiện phô trương, xa hoa là không lành mạnh, bộc lộ dấu hiệu thiếu trong sáng. Bởi, xa hoa là xa dân.

Sự việc ông Ninh Văn Chủ, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh tổ chức đại tiệc chia tay trên 2 du thuyền 5 sao ở Vịnh Hạ Long với sự xa hoa khiến dư luận cảm thấy bức xúc. Bức xúc bởi sự phô trương, lãng phí. Bức xúc bởi xã hội vẫn còn nhiều gia đình, hộ nghèo khó khăn cần giúp đỡ. Chính hành vi xa hoa, phô trương đó là vô cảm trước khó khăn của người dân. Và trong mắt người dân, mọi biểu hiện phô trương, xa hoa là không lành mạnh, bộc lộ dấu hiệu thiếu trong sáng. Bởi, xa hoa là xa dân.

Tất cả các trường hợp xa hoa đều đáng lên án dù tiền đó ở đâu

Theo dõi sự việc này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa văn hóa, xã hội chủ nghĩa, Học viện Chính trị- Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, không làm chủ được bản thân mình, thói xa hoa đó càng phát triển mạnh, điều đó càng làm cho con người tha hóa. Tha hóa ở đây là thoái hóa, suy thoái, làm mất chất con người. Từ đó làm cho xã hội trở nên rời rạc và yếu. Cho nên, khi nói về sự tệ hại con người, Bác Hồ có nhắc đến thói xa hoa.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, xã hội chủ nghĩa, Học viện Chính trị- Quốc gia Hồ Chí Minh.

GS-TS Trần Văn Bính khẳng định “Xa hoa là xa dân”. Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã căn dặn quan chức “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc". Ưu ở đây không phải ưu tiên mà ưu ở đây là lo lắng. Câu này có nghĩa là “Làm quan, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Vì vậy, khi đảng viên xa hoa là vô cảm trước dân, nếu vô cảm trước dân là xa dân.

PGS- Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, có nhiều biểu hiện xa hoa khác nhau. Như Bác Hồ đã nói, xa hoa là thích ăn ngon, mặc đẹp, hay là danh lợi cho bản thân. Nhưng mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, mỗi hoàn cảnh xã hội và đối tượng cụ thể lại thể hiện thói xa hoa theo những cách rất khác nhau.

Ông Sơn cho rằng, không chỉ có CDC Quảng Ninh, mà còn nhiều trường hợp khác cũng có biểu hiện của sự xa hoa như dùng hàng xa xỉ, đi xe sang, ăn sơn hào, hải vị,… chỉ để thể hiện bản thân mình. Và tất cả trường hợp đó đều đáng lên án.

Dù sự việc ở Quảng Ninh chỉ là trường hợp cá biệt không phải số nhiều hay là hiện tượng phổ biến nhưng việc phô trương, hình thức, tốn kém là việc không đáng làm, không nên làm và không được làm đối với mỗi cán bộ đảng viên. Mặc dù, trên thực tế, không có quy định nào nói rằng “làm cán bộ nhà nước thì phải sống giản dị, bình thường hơn người dân”. Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục người dân rằng, anh là người trong sạch dù anh sống xa hoa. Đặc biệt, khi tham nhũng đang là vấn nạn và chúng ta kiên quyết xử lý mà đảng viên, công chức có lối sống xa hoa thì nó lại càng phản cảm hơn nữa. Nó có thể gây ra cái nhìn tiêu cực về đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó GS- TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thói xa hoa, vừa là biểu hiện, nhưng đồng thời, cũng là nguyên nhân của tiêu cực. Bởi, để xa hoa thì người ta phải rất dư dả tiền bạc. Và công chức chỉ có thể dư dả khi họ lợi dụng công việc và vị trí của mình để làm giàu cho bản thân, và đó chính là nguyên nhân của tiêu cực.

Về vấn đề này, Giáo sư Trần Văn Bính khẳng định, có cái gì đó lạc lõng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân cố gắng vượt qua những khó khăn để phát triển kinh tế xã hội nói chung. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, chưa bao giờ Đảng đặt ra vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn một cách nghiêm túc, công khai và mạnh mẽ như bây giờ. Xảy ra hiện tượng đó là một sự thách thức đối với dư luận xã hội nếu không muốn nói là kệch cỡm.

Quy định 69 kịp thời, nhưng cần linh hoạt

Có thể thấy, lối sống xa hoa, hào nhoáng không chỉ ảnh hưởng đến bản thân cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm. Trong đó, nêu rõ một số trường hợp vi phạm, nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng, đảng viên có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách như: tổ chức tiệc cưới, việc tang, các ngày lễ tết, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Theo GS-TS Trần Văn Bính, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội có nhiều biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, phải đặt Quy định 69 đó trong hàng loạt những công việc hiện nay Đảng đang làm và dứt khoát coi đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh.

“Sau giáo dục răn đe, phải thực thi bằng quyền lực của Đảng, nghĩa là phải dẫn tới một quy định “mỗi cán bộ đảng viên phải tự trong sáng, phải tỏa sáng”. Từ đó, hoạt động nêu gương mới trở thành nguyên tắc lãnh đạo của Đảng hiện nay. Bởi, lãnh đạo là nêu gương, không nêu gương là mất quyền lãnh đạo”- Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Bính nói.

Về vấn đề này, PGS- TS Bùi Hoài Sơn lại cho rằng, trong bối cảnh xã hội có nhiều biểu hiện tiêu cực, chúng ta phải có những biện pháp để chấn chỉnh. Qua đó, tạo ra một môi trường tích cực, lành mạnh cho sự phát triển chung của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Điều này phải thực hiện đầu tiên từ chính các tầng lớp tiên phong của xã hội, đó là đảng viên. Từ đó lan tỏa tác dụng tích cực sang các tầng lớp xã hội khác.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, Quy định 69 cần được làm cụ thể hơn ở các Bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị. Bởi, các biểu hiện xa hoa lãng phí rất khác nhau. Bên cạnh đó, cũng cần có những tấm gương. Như chúng ta thường nói, vấn đề nêu gương trong Đảng là một vấn đề hết sức quan trọng để chúng ta thực hiện tốt các Quy định này. Có quy định, có chế tài, có áp lực dư luận xã hội, dựa trên cơ sở của nhận thức và những bài học làm gương thì chúng ta mới có thể xử lý triệt để những vấn đề liên quan đến xa hoa, lãng phí./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP