Xã hội

Vụ quan xã "ém" tiền của dân: Có bị xử lý tội Lạm dụng chức vụ?

Việc cán bộ xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn đã “ém” tiền hỗ trợ của Nhà nước về xóa nhà tranh tre, dột nát cấu thành tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản – Luật sư Nguyễn Vinh Diện cho biết.

Nghĩa Lợi cần rà soát lại các khoản thu phí, lệ phí


Nhiều người dân cho rằng, hành vi biển thủ tiền chính sách của cán bộ xã Nghĩa Lợi phải truy cứu hình sự. Việc xử lý khiển trách, để người sai phạm giữ chức Bí thư Đảng uỷ là xem thường dư luận và pháp luật.

Để rộng đường dư luận, ngày 3/10, PV đã có buổi trao đổi với Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Vinh Diện, Trưởng Văn phòng Luât sư Vinh Diện và Công sự (TP. Vinh, Nghệ An). Luật sư Nguyễn Vinh Diện cho biết: “Theo như báo chí phản ánh, thì trong năm 2005, một số hộ dân xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) được Nhà nước hỗ trợ tiền để làm nhà. Sau khi tiền được chuyển về cho xã thì xã có trách nhiệm phải chuyển toàn bộ số tiền đó cho các hộ dân được hưởng. Tuy nhiên, chủ tịch và thủ quỹ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản của hộ dân bằng cách chỉ giao cho họ một phần tiền trong tổng số tiền người dân được hưởng. Hành vi trên đây của cán bộ xã có dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999”.

1anchan tien 2311
Danh sách các hộ nghèo được nhận tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát của Nhà nước.

Theo luật sư Nguyễn Vinh Diện, số tiền chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng (dưới 50 triệu đồng) nên hành vi này cấu thành tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 với mức hình phạt cao nhất đến 6 năm tù. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 thì đây thuộc loại tội phạm nghiêm trọng”.



“Tuy nhiên để khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự được những cán bộ này thì phải xem xét còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nữa hay không. Bởi vì, theo quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng là 10 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện” – Luật sư Nguyễn Vinh Diện cho biết thêm.

Đề cập việc cán bộ xã đã “ém” tiền hỗ trợ suốt 10 năm có phải trả thêm phần lãi suất, luật sư, Nguyễn Vinh Diện cho hay, việc các hộ dân yêu cầu được đền bù lãi suất vì họ đã vay tiền ngân hàng để làm nhà là không có căn cứ pháp luật. Vì hành vi của cán bộ xã giữ lại tiền để chiếm đoạt là hành vi trái pháp luật. Việc các hộ dân vay tiền ngân hàng là giao dịch giữa bên vay và bên cho vay. Theo pháp luật hiện hành thì không có quy định nào buộc cán bộ xã đã chiếm đoạt tiền phải trả lãi suất cho các hộ dân.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó chánh thanh tra huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Sau khi có đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã cử cán bộ xuống thanh tra tại các hộ theo đơn thư. Qua kiểm tra đúng là có một số hộ dân như gia đình ông Lô Văn Duy chỉ được nhận một phần tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát. Trước những thiếu sót và sai phạm đó sau khi thanh tra cũng đã kỷ luật ông Nguyễn Văn Quyết lúc đó đang giữ chức vụ Chủ tịch xã, ông Lưu Đức Hiền, Kế toán xã Nghĩa Lợi mức kỷ luật khiển trách. Còn với ông Nguyễn Xuân Niên, thủ quỹ xã Nghĩa Lợi bãi nhiễm chức vụ, chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời cũng yêu cầu xã Nghĩa Lợi phải hoàn trả đủ số tiền bị cấp thiếu trước đó”.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi thời điểm đó) lại viện cớ: “Việc này là do chúng tôi sơ suất không để ý kỹ khi thủ quỹ cấp phát tiền. Chỉ đến khi người dân phát hiện tố cáo chúng tôi mới biết và cho xử lý trả đủ cho người dân rồi”.

2an chan tien 2211
Biên bản sự việc giữa chính quyền địa phương và người dân.

Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết : “Vụ việc bớt xén tiền của hộ nghèo được hỗ trợ tiền xóa nhà tranh tre đã được kết luận. Xã đã đã có hình thức xử lí buộc thôi việc đối với cán bộ thủ quỹ; kỉ luật khiến trách đối với chủ tịch xã và kế toán”.

3vụ an chan tien
Kết luận thanh tra của UBND huyện Nghĩa Đàn về vụ việc "ăn chặn" tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát của dân.

Điều đáng nói, là một vấn đề xảy ra sai phạm với số tiền lên đến cả chục triệu đồng nhưng UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ cách chức với cán bộ thủ quỹ là một nhân viên hợp đồng thời vụ. Còn với hai cán bộ công chức có trách nhiệm quan trọng trong vấn đề trên chỉ bị kỷ luật khiển trách và giữ nguyên chức vụ. Không những vậy, ông Nguyễn Văn Quyết còn được bổ nhiệm lên làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân xã.

Như đã thông tin, năm 2005, anh Lô Văn Duy, trú bản Tân Cay (xã Nghĩa Lợi) cùng nhiều gia đình khác được nhà nước hỗ trợ 6 triệu để xóa nhà tranh tre nứa lá. Tuy nhiên, khi bàn giao, anh Duy chỉ được UBND xã đưa chi cho 1,2 triệu đồng. Khi lên thắc mắc với chính quyền, anh Duy được nhận thêm 300.000 đồng.

Sau gần 10 năm, biết số tiền hỗ trợ làm nhà của mình bị cắt xén, năm 2014, chị Hà Thị Hương (vợ anh Duy) đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Cán bộ xã mới đem 4,5 triệu đồng trả lại cho gia đình, nhưng chị Hương không đồng ý. Chị Hương cho rằng, để có tiền xây nhà vợ chồng chị đã phải đi vay nợ lãi. Cán bộ xã Nghĩa Lợi đành phải trả cho gia đình chị Hương hơn 8 triệu đồng.

Gia đình ông Lê Văn Tiêu (SN 1928), dân tộc Thổ, trú tại bản Ngọc Lam (xã Nghĩa Lợi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự (chỉ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng) nhưng lại quy đổi thành 1.200 viên ngói. Sự việc bị phanh phui, cán bộ xã Nghĩa Lợi cũng mới đem số tiền 4,8 triệu đồng còn lại.

Các gia đình khác như: Hoàng Văn Toàn, Lưu Văn Thiện, Lê Văn Mai, Nguyễn Thị Thìn, Lưu Văn Xuân, Vi Văn Trọng… cũng bị "bớt xén" bằng cách trừ vào các khoản thuế... tự nguyện.

Sau 10 năm, việc ăn chặn tiền của dân nghèo bị phát giác. Những kẻ "tham quan" đã mang lại số tiền bớt xén này trả lại cho người dân. Một số người đã nhất quyết không đồng ý nhận lại, yêu cầu phải được cộng thêm số tiền lãi trong 10 năm qua.

Căn cứ tại Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Tác giả bài viết: NGỌC TUẤN - TIẾN THÀNH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP