Trong bối cảnh tập trung U22 Việt Nam để tìm ra những nhân tố giỏi, HLV Park Hang Seo thực sự đang rơi vào cảnh "đỏ mắt" tìm nhân tài. Vì chính chiến lược gia người Hàn Quốc thừa nhận bóng đá Việt Nam đang không có nhiều cầu thủ giỏi so với lứa đàn anh là Công Phượng, Xuân Trường...
Ông Park nói: "Ba năm trước, khi tôi đến Việt Nam thì lứa cầu thủ sinh năm 1995 và 1997 rất giỏi và tài năng như Xuân Trường, Công Phượng, Duy Mạnh... Hiện tại, không có nhiều tuyển thủ trẻ có năng lực giỏi như thế nữa".
Trong bóng đá không có tính bắc cầu, tức một nền bóng đá sản sinh ra một thế hệ cầu giỏi, thành công thì không đồng nghĩa lứa sau sẽ giỏi hơn, thành công hơn. Câu chuyện thế hệ đàn em bị so sánh với đàn anh gần như xảy ra ở mọi nền bóng đá, dù có là Đức, Brazil, Tây Ban Nha, Pháp...
Sau một lần lên đỉnh cao là nỗi lo thoái trào, sự thất bại cũng như áp lực rất lớn cho thế hệ tiếp nối. Nguyên nhân là họ sẽ bị so sánh với chính lứa cầu thủ thành công.
Bóng đá Việt Nam cũng chịu kịch bản tương tự. Nhưng vấn đề là nguyên nhân nằm ở đâu khi chúng ta chưa thực sự chạm đỉnh cao sự thành công, chỉ có thành tích ở cấp độ Đông Nam Á, còn ở châu Á vẫn có khoảng cách lớn so với nhiều đội bóng.
Câu chuyện kể trên nằm ở vấn đề cách vận hành của bóng đá Việt Nam, từ chuyện đào tạo trẻ đến sân chơi chuyên nghiệp.
Một ví dụ thiết thực, bầu Đức từng chấp nhận đá không có thành tích, thậm chí rớt hạng ở V.League 2015. Ông chủ CLB HAGL nhấc cả lứa Công Phượng lên đá chuyên nghiệp, đó là cơ hội rất lớn để các cầu thủ ở tuổi 18-20 được va chạm, được trưởng thành, cũng như trau dồi thêm kinh nghiệm trận mạc.
HLV Park Hang Seo nhận định bóng đá Việt Nam đang thiếu những cầu thủ giỏi như Công Phượng. |
Lứa Công Phượng không chỉ các cầu thủ HAGL, còn có Duy Mạnh, Đức Huy, Bùi Tiến Dũng... sớm được thi đấu ở nhiều cấp độ trẻ và V.League. Hồi đó, bầu Đức còn bỏ tiền túi để cho thế hệ cầu thủ tài năng đi châu Âu tập huấn, đá với các đội bóng mạnh. Vì thế, họ nhanh chóng trưởng thành để tạo nên cơn địa chấn ở U23 châu Á 2018, kế đến là chức vô địch AFF Cup 2018.
Bây giờ, sân chơi V.League không còn là mảnh đất dành cho các tài năng trẻ. HAGL sau 5 năm vẫn đang là 1 trong những đội bóng có độ tuổi trẻ nhất giải đấu. Hà Nội FC trong bối cảnh thủng nhiều tuyến do chấn thương thì một số cầu thủ được trao cơ hội, nhưng họ vẫn mua những lão tướng như Tấn Trường, Tấn Tài về thi đấu. Câu chuyện nằm ở vấn đề phải có thành tích.
HLV Park Hang Seo đã lý giải khá chi tiết về chuyện cầu thủ của bóng đá Việt Nam. Ông Park nói: "Khi xem V.League, tôi thấy các cầu thủ trẻ không có cơ hội thể hiện, thay vào đó là ngoại binh và những cầu thủ nhiều kinh nghiệm. Tôi và các bạn cũng nên tự hỏi là tại sao lại như thế?.
Tôi rất mong có cơ chế nào đó để tạo điều kiện ra sân cho cầu thủ trẻ. Chẳng hạn chúng ta có thể hạn chế ngoại binh hoặc bằng một cách nào khác, miễn là cầu thủ trẻ phải được vào sân. Nếu không, đó sẽ là vấn đề. Các bạn biết đấy, bây giờ, đội tuyển Việt Nam gồm hầu hết là những gương mặt cũ, còn cầu thủ mới hầu như không xuất hiện".
Chuyện bóng đá Việt Nam đang thiếu những cầu thủ trẻ tài năng, có lẽ được nhìn qua một mảnh ghép ở ĐTQG. Đó là vị trí trung phong cắm. Ông Park phải gọi trở lại Anh Đức, cầu thủ sinh năm 1985 (thế hệ Công Vinh) và từng nói lời giã từ ĐTQG hồi cuối năm ngoái, đáng nói anh rơi vào cảnh thất nghiệp trong nửa lượt đi V.League 2020.
Nguyên nhân là vị trí tiền đạo ở các đội được ưu tiên cho ngoại binh. Những cầu thủ nội không có cơ hội thể hiện, phần lớn chọn cách dạt sang đá tiền đạo cánh hoặc tiền vệ. Công Vinh và Anh Đức cũng từng rơi vào cảnh tương tự khi Bình Dương để Abass đá tiền đạo cắm.
Bức tranh chung của bóng đá Việt Nam là các đội bóng bây giờ không có nhiều đội tập trung đào tạo trẻ như HAGL, Viettel. Những cầu thủ trẻ cũng không được trao cơ hội thể hiện nhiều ở sân chơi V.League. Do đó, ông Park khó tìm được những nhân tố giỏi, còn phải tích cực hội quân (U22 Việt Nam) để tìm ngọc thô cho tương lai.
Tác giả: Văn Nhân
Nguồn tin: saostar.vn