Hiện tại, đang vào dịp cuối năm, nhu cầu săn rượu "1 người khỏe, 2 người vui" của dân nhậu gia tăng đáng kể. Nào là rượu "138", nào là rượu ngâm củ, rễ cây, rượu ngâm sản phẩm động vật…, tất cả đang được chào mời trên thị trường "đen" khá rôm rả. Sự thật cái được cho là biệt dược, giúp phái mạnh tăng cường sinh lực ra sao? PV Chuyên đề CSTC đã tìm hiểu về vấn đề này.
1.Rượu "138" hay còn gọi là rượu "thuốc phiện", tên gọi này có xuất xứ từ các bản làng vùng cao của một số tỉnh miền núi phía Bắc dùng ám chỉ một loại rượu được ngâm với cây, rễ, quả thuốc phiện (anh túc) - loại cây, sản phẩm bị pháp luật nghiêm cấm trồng, mua bán và sử dụng bởi mức độ gây nghiện, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng của nó.
Theo Minh Tiến, một dân sành trong lĩnh vực tiêu thụ rượu ngâm ở tỉnh Yên Bái cho biết thì, cây thuốc phiện nằm trong chương trình triệt phá, kéo giảm tội phạm ma túy theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Do đó, sau này tên gọi của loại rượu ngâm quả, thân, rễ cây thuốc phiện được dân chơi "ăn theo" và gọi tắt tên của Ban Chỉ đạo chương trình trên "Ban Chỉ đạo 138/CP) - rượu "138".
Một "đầu nậu" rao bán rượu "138". |
Mặc dù là loại rượu nằm trong danh mục cấm mua bán và sử dụng, thế nhưng với những lời đồn thổi đại loại như: "Đây là một trong những loại rượu "1 người khỏe, 2 người vui", "Đây là loại rượu quý giúp nam giới khỏe hơn khi quan hệ nam nữ"… nên nhiều "đầu nậu" đã lén lút tuồn ra thị trường theo đơn đặt hàng.
Thời điểm hiện tại, đang vào dịp cuối năm, nhu cầu săn rượu "138" để làm quà biếu, tặng cũng như sử dụng trong các cuộc nhậu, tiếp khách tăng, nên thị trường cung cấp loại rượu "138" cũng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác trên huyện Mường Tè (Lai Châu), trong lúc ăn cơm trưa tại một quán ăn ở thị trấn Mường Tè, chúng tôi chứng kiến nam thanh niên ở nơi khác đến sau khi vào quán đã cố gặng hỏi chủ quán: "Nhà hàng có rượu "138" bán không? Tôi cần mua vài bình về làm quà?".
Tuy chủ quán cho biết, loại rượu này đang bị cấm và giờ khan hàng, nam thanh niên vẫn nài nỉ với mong muốn sau khi rời quán sẽ có trong tay một vài bình rượu "1 người khỏe, 2 người vui" này.
Nghe cuộc trao đổi trên, chúng tôi càng hiểu sức hút của loại rượu "138" đối với dân nhậu là nhường nào. Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, do các cơ quan chức năng "đánh mạnh" các đường dây, cơ sở chuyên cung cấp rượu "138" từ các tỉnh miền núi phía Bắc - nơi một số bà con phớt lờ quy định pháp luật lén lút trồng cây thuốc phiện, rồi tuồn về dưới xuôi, hoạt động giao dịch rượu "138" đã bớt nhốn nháo và trở nên lén lút hơn.
Nếu như cách đây 2-3 năm, đặt chân lên nhiều huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La…, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh một số quán nhậu mời khách mua, sử dụng rượu "138".
Nhưng nay thì đã khác. Số "đầu nậu" tàng trữ, kinh doanh loại rượu này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để né luật. Qua tiếp xúc với một số "đầu nậu" kinh doanh loại rượu "138" này, chúng tôi được biết, do không còn bày bán tràn lan như trước, giá thành của loại rượu "138" giờ đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Đáng chú ý, nắm bắt tâm lý "cần là được đáp ứng ngay", một số "đầu nậu" còn sử dụng mạng Internet làm phương tiện chào hàng, trao đổi - mua bán loại rượu này.
Nói vậy cũng bởi, chỉ cần truy cập vào trang mạng tìm kiếm google.com.vn trong ít phút, dễ dàng bắt gặp các đường link chỉ dẫn đến mạng xã hội rao bán rượu "138".
Điển hình như trang mạng có đường link: www.facebook.rxxx, chủ nhân trang mạng này không ngần ngại chào hàng: "Xin phép, em bán bình rượu "138" lấy tiền chăm gà. E (em-pv) có 2 bình 5 lít của người Mông ngâm được 2 năm rồi ạ!", theo thông tin này cho biết thì mỗi bình có dung tích 5 lít giá là 2 triệu đồng.
Nội dung này thu hút khá đông dân chơi quan tâm. Thực tế này cho thấy, mặc dù loại rượu này đang được rao bán với mức giá khá cao, song vẫn thu hút đông dân nhậu tò mò.
Cẩn trọng trước những hệ lụy do rượu "138" gây ra. |
2.Không riêng gì rượu "138", càng dịp cuối năm, khi dạo quanh một lượt các tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy, phía sau chở thêm các túi lưới, bao tải đựng các rễ cây (mật gấu, đinh lăng, chuối hột…), sản phẩm động vật (bìm bịp, tắc kè, bọ cạp…).
Số rễ cây, sản phẩm động vật này được người điều khiển phương tiện cho gắn biển quảng cáo với nội dung khá bắt mắt nhằm "hút" khách. Cách đây không lâu, khi lưu thông trên tuyến đường Khuất Duy Tiến, đoạn gần nút giao thông Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, chúng tôi giật mình trước cảnh người đàn ông điều khiển xe Honda Wave chở lình kình những chiếc túi lưới, bên trong các con bọ cạp đang bò lồm ngồm.
Trên những chiếc túi này là 4-5 túi nilon đựng cơ số rễ cây, củ quả. Chiếc xe trên thực chất là một "sạp" kinh doanh sản phẩm động, thực vật để ngâm rượu. Để hút khách hàng, người đàn ông chủ "sạp" kinh doanh trên đã cho gắn tấm biển mica in dòng chữ: "Bán đinh lăng, ba kích, tắc kè, bìm bịp, bọ cạp, chuối hột, bổ củi".
Theo chủ "sạp" kinh doanh này quảng cáo, đây đều là các sản phẩm động, thực vật dùng để ngâm rượu. Khi uống loại rượu này, cơ thể người sử dụng sẽ trị được bệnh đau lưng, thấy sảng khoái, hưng phấn hơn, nhất là đối với… nam giới. Để có được một cặp tắc kè tươi, khách hàng phải chi 100-200 ngàn đồng, còn đối với loài bổ củi thì bán theo lạng…
Rượu "138" được rao bán trên mạng Internet. |
Thị trường bán rượu ngâm rễ cây, sản phẩm động vật hiện đang muôn hình vạn trạng. Một số cơ sở, "đầu nậu" đã nhân rộng mạng lưới kinh doanh của mình tại các địa điểm di tích lịch sử, nơi tham quan.
Đáng chú ý, cũng như rượu "138", đánh vào tâm lý người tiêu dùng, hễ thấy nội dung quảng cáo hấp dẫn là bị lôi cuốn, nhiều "đầu nậu" còn đăng lời quảng cáo, mời chào khách hàng trên nhiều trang mạng xã hội.
Khi truy cập vào những trang mạng dạng này, không ít người bị lạc vào… mê hồn trận. Không biết đâu là thực, đâu là hư. Anh Trần Trung, ở phố Ngọc Hà (quận Ba Đình - Hà Nội) khi chia sẻ với chúng tôi tỏ ra khá bức xúc, do muốn khỏe hơn trong quan hệ vợ chồng, khi đọc những lời quảng cáo trên mạng về loại rượu ngâm con bọ cạp và loài bổ củi rất có tác dụng tăng độ hưng phấn, anh đã bỏ ra cả triệu đồng để sắm số sản phẩm động vật này về ngâm rượu. Nhưng sau khi uống, anh chỉ thấy cơ thể mình mệt đi.
Trên thực tế cho thấy, anh Trần Trung chỉ là một trong số nhiều trường hợp do không tìm hiểu kỹ thông tin đã bị "tiền mất, tật mang" khi mua và sử dụng những loại rượu được cho là "1 người khỏe, 2 người vui" ở trên. Và tất nhiên, nhờ những chiêu quảng cáo bốc trời, nhiều chủ "sạp" kinh doanh dạng này đã đút túi một khoản tiền lãi không hề ít.
Thận trọng trước những loại rượu ngâm sản phẩm động, thực vật. |
3.Với những lời quảng cáo được "lưu truyền" như một loại "thần dược", "1 người khỏe, 2 người vui", các loại rượu "138", ngâm rễ cây, sản phẩm động vật thời gian qua được nhiều dân nhậu săn lùng, mua và sử dụng nhằm tăng khả năng quan hệ cho phái mạnh. Vậy thực hư những lời "lưu truyền" này ra sao? Công dụng của nó thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hà Thị Bích Ngọc - bác sĩ Khoa Châm cứu phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho biết, các loại rễ cây, sản phẩm động vật mặc dù được ngâm trong rượu song độc tính đi kèm vẫn còn. Khi uống vào rất dễ bị ngộ độc. Bởi thực tế cho thấy, ngay cả các loại thuốc Đông y trước ngâm với rượu cũng đều phải sao tẩm, chế biến qua nhiều công đoạn.
Đặc biệt, với loại rượu "138" hay còn gọi là rượu "thuốc phiện", khi sử dụng nó trong thời gian dài, cơ thể người sử dụng sẽ bị tích tụ độc chất và có thể bị nghiện mặc dù trước đó, loại rượu này đem tới cho người sử dụng cảm giác giảm đau, hưng phấn.
Bên cạnh việc đây là những sản phẩm, chất đã bị pháp luật cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng, hiện chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể và chứng minh rượu "138" là loại rượu "1 người khỏe, 2 người vui" cả, thực chất công dụng trên chỉ là lời "truyền tụng" của dân nhậu. Do đó, để không chuốc họa vào thân, cần nhận thức rõ hậu quả khôn lường do các loại rượu "1 người khỏe, 2 người vui" dạng này gây ra.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khẳng định, rượu "138" mà nhiều dân chơi cho là thần dược, là rượu bổ hoàn toàn không phải vậy. Thân, lá, hoa, quả cây thuốc phiện - đều là những sản phẩm chứa độc chất ma túy.
Trong khi đó rượu cũng là chất kích thích. Hai loại này khi kết hợp với nhau sẽ càng gây hại cho sức khỏe người lạm dụng nó như: hệ thần kinh bị rối loạn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, trụy tim mạch, suy giảm trí nhớ, hành vi khó kiểm soát… Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, đã có không ít trường hợp bị ngộ độc rượu, loạn thần do lạm dụng các loại rượu này phải nhập viện điều trị.
Tác giả: Trần Huy
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân