Đồng bào dân tộc Thái có mặt ở hầu hết 21/21 xã, thị trấn của huyện miền núi Quỳ Hợp, nhưng tập trung đông nhất và có thời gian định cư lâu đời nhất là ở các xã: Châu Quang, Châu Cường; Châu Hồng; Châu Tiến; Châu Thành; Châu Thái; Châu Lý; Châu Lộc; Liên Hợp; Nam Sơn; Bắc Sơn; Châu Đình; Yên Hợp và một phần xã Đồng Hợp.
Từ xưa, người Thái đã biết trồng bông, dệt vải, tạo nên những tấm thổ cẩm rất đẹp.Vào bất cứ bản làng nào của người Thái ở huyện Quỳ Hợp ngày nay, chúng ta đều bắt gặp những nếp nhà sàn, trên đó có những khung cửi ngày đêm lách cách tiếng thoi đưa.
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ rất lâu đời của người Thái ở Quỳ Hợp. Người nữ tộc Thái, ngay từ lúc mới trưởng thành, đã được học cách dệt cửi, thêu váy, thêu khăn và những tấm thổ cẩm khác... bắt đầu từ người mẹ, sau đó các thế hệ tiếp theo cũng được truyền nghề. Nghề dệt thổ cẩm bởi thế mà được lưu truyền mãi mãi ở mỗi gia đình, mỗi làng bản.
Truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp, Nghệ An)
Để dệt được một tấm thổ cẩm hoàn mỹ, đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn vì chỉ dùng tay và chân là chính. Người dệt phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và trồng cây bông. Tùy vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm mà người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Những tấm vải khi dệt lên có thể tạo thành váy, áo, khăn Piêu, thắt lưng hoa (xái hượt boọc), những tấm “Phà”, những tấm vải để may thành chăn, thành nệm, mặt gối, viền đình màn… vv.
Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm Thái, chúng ta có thể cảm nhận ngay được nét phong phú của sắc màu đời thường quanh mình, trong đó nổi bật như màu xanh của cây cối, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, màu trắng, màu hồng, màu đỏ… của các thứ hoa dại trong rừng sâu, trên nương rãy, ven bờ suối hoặc trên những cánh đồng lúa nước bao đời của người Thái luôn “phong nhiêu, phồn thực”...
Tính cách và tuổi tác cũng được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm: Với những cô gái chưa chồng, đang yêu, thì không thể giấu nổi tình cảm của mình qua những gam màu sáng chủ đạo; còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm ấm, về những đường nét rắn rỏi đậm chất suy tư… vv
Khách xem sản phẩm thổ cẩm Thái trong một gian trưng bày ở triển lãm văn hóa chào mừng 50 năm thành lập huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)
Một gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm Thái tổng hợp
Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa nhất định trong tổng thể khung hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm, ví dụ như: Hoa văn chân nhái (tín khiệt), hoa văn hình mặt trời (hó tá nghên), hình con rồng (hó Nghiệc hung), hình xương cá (hó cảng pá; hó pá lạt)...vv… qua đôi bàn tay người nữ tộc Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, cỏ cây, loài vật... được khắc họa một cách tự nhiên nhất trong trang phục thổ cẩm, rồi chính những trang phục ấy lại phục vụ cuộc sống thường ngày của đồng bào.
Nét đẹp của nữ tộc Thái ngày nay
Có thể nói không quá rằng: Những đường nét hoa văn trên những tấm vải thổ cẩm đã phản ánh trung thực đầu óc sáng tạo, mộng mơ, đa cảm và đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, sắc sảo, thể hiện nét đẹp tươi trẻ của cuộc sống mường bản thanh bình, yên vui, no đủ của người nữ tộc Thái huyện miền núi Quỳ Hợp xưa và nay.
Tác giả bài viết: Thái Tâm