Tự hủy hoại bản thân và người thân
Mấy ngày qua, vụ việc bé 33 ngày tuổi xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tử vong trong chậu nước và nghi phạm chính là mẹ của bé khiến dư luận xôn xao. Người mẹ 19 tuổi mắc chứng trầm cảm khai với cảnh sát rằng thấy đau đầu, cảm giác như có ai nhập vào người khiến mất kiểm soát và thực hiện hành vi giết con đẻ của mình.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, không chỉ vụ việc này mà đã có nhiều trường hợp tự hủy hoại bản thân và người thân của mình xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh.
Cho đến thời điểm này, chưa có con số cụ thể nào về tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây ngày càng nhiều phụ nữ sau sinh mắc phải. Nếu trước đây, cả năm viện mới gặp một hai ca, giờ mỗi tuần cũng có vài ca vào khám điều trị.
Điều đau lòng là các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý, chỉ khi sự việc đau lòng xảy ra mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh. Nhiều người và gia đình vì ngại, sợ mất danh dự khi người đời nói con bị “điên” nên không dám đến bệnh viện tâm thần khám, điều trị.
Đây là nguyên nhân khiến cho căn bệnh trầm cảm tăng cao. Người bệnh không khỏi mà có thể thành mạn tính, gây hại cho chính mình và người thân.
Như trường hợp của vợ chồng chị C.T.H (ở Bắc Giang) sau nhiều năm hiếm muộn và sảy thai, cuối cùng anh chị cũng sinh được đứa con. Nhưng sau sinh hơn 1 tháng, chị bắt đầu có những dấu hiệu buồn chán, mệt mỏi và mất ngủ, thỉnh thoảng lại gào thét, không thiết cho con bú dù bé khóc đến tím tái... Những triệu chứng này liên tục xuất hiện trong vòng 2 tuần mà gia đình không hề phát hiện.
Nhiều lần chị muốn chết và có hai lần tự sát không thành bằng cách nhảy xuống ao. Lúc này gia đình mới đưa đi khám, song vì sợ mang tiếng con dâu tâm thần nên gia đình nhất quyết đưa chị về sau vài ngày điều trị. Điều đau lòng đã xảy ra khi chị dùng dao lam cắt cổ tay mình và con. May mắn phát hiện kịp thời hai mẹ con mới được cứu sống.
Hãy học cách tự yêu mình
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho hay, thường những người tính cách không mạnh mẽ, ít va chạm sẽ dễ mắc trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau như buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần.
Có khoảng 70% sản phụ trải qua chứng rối loạn tâm lý sau sinh (baby blues) với những biểu hiện như mệt mỏi, buồn bã, mất ngủ, hay khóc và khóc hàng tiếng đồng hồ trong ngày hay dễ tổn thương dù một sự việc nhỏ… Tuy nhiên, những triệu chứng rối loạn tâm lý hậu sản này sẽ hết sau từ 1-2 tuần sau sinh một cách tự nhiên hoặc có sự an ủi, cảm thông giúp đỡ của người thân, không phải điều trị.
Tình trạng này nếu kéo dài quá hai tuần sẽ sinh trầm cảm, triệu chứng tương tự như baby blues nhưng nặng nề hơn nhiều. Khi bị trầm cảm, bản thân người mẹ ảnh hưởng trước hết như thể chất sụt cân, suy dinh dưỡng; tinh thần suy nhược, hoang tưởng, có hành vi nguy hiểm... Không ít bà mẹ nghĩ con mình hay người thân bị “ma quỷ nhập” nên tìm cách giết hại.
Để tránh trầm cảm, theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, bản thân mỗi người nên ý thức mình là chủ của cuộc đời mình. Đừng quá trông cậy vào ai đó “làm chỗ dựa” cho cuộc sống để khi không như mong muốn lại thất vọng, chán nản, bi kịch hóa vấn đề… Cuộc sống có khó khăn cũng cần nỗ lực vượt qua, tranh thủ sự hỗ trợ của người thân để cải thiện cuộc sống.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, hơn tất cả hãy tự học cách yêu thương mình ngay cả khi không còn ai yêu thương ta. Sau sinh nếu thấy mình có biểu hiện của rối loạn cảm xúc, cần phải thư giãn, nghỉ ngơi, tham gia các buổi sinh hoạt tập thể để giảm bớt căng thẳng, giúp tinh thần lạc quan hơn. Việc tự hủy hoại bản thân hay lấy con ra để trả thù… là một điều dại dột. Điều đó cho thấy người đó thiếu kỹ năng sống lẫn giá trị sống.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cũng cho rằng, ngay từ khi mang thai, cả vợ và chồng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Người phụ nữ cần tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm để làm mẹ chủ động và học cách thư giãn, nghỉ ngơi tránh căng thẳng trước và sau sinh. Khi thấy quá sức, họ cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, tránh tình trạng kiệt sức vì gồng mình.
Đặc biệt, khi có biểu hiện trầm cảm hoặc có biểu hiện bất thường nên đưa sản phụ đến bác sỹ chuyên khoa tâm thần để ngăn chặn những hậu quả đau xót. Đừng vì ngại hay sợ điều tiếng bị tâm thần mà né tránh. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao. Một khi bị nặng phải kết hợp đồng bộ các biện pháp trị liệu tâm lý, dinh dưỡng, dùng thuốc bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định.
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây trầm cảm xau sinh chưa xác định nhưng khi sinh con các bà mẹ phải trải qua sự biến đổi đột ngột về cơ thể. Cùng với đó, một yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn tới bệnh này là bị ức chế tâm lý và tình cảm, xung đột trong cuộc sống vợ chồng, thiếu sự hỗ trợ về mặt tình cảm và tài chính từ người bạn đời và quan hệ kém với gia đình bên chồng.
Bởi vậy, sự giúp đỡ của người thân và gia đình có vai trò quan trọng giúp các bà mẹ giảm bớt gánh nặng về sức khỏe và tinh thần. Trong gia đình không khí thoải mái vui vẻ, thái độ quan tâm ân cần, sự chia sẻ trong việc chăm sóc con của người chồng, anh chị em, ông bà... sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp phụ nữ sau sinh không rơi vào căng thẳng dẫn đến trầm cảm.
Dấu hiệu trầm cảm - Khí sắc trầm buồn: Khoảng 90% bệnh nhân than phiền cảm thấy buồn chán vô cớ, vô vọng, khóc; lời nói, cử chỉ, y phục thay đổi… - Mất hứng thú: Không muốn làm gì, sở thích thay đổi giảm hoặc mất. Người có gia đình mất hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng. - Giảm vận động: Chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, hành động. Họ thường ngồi một chỗ, ù lì... - Ngoài ra, người bệnh thấy khó ngủ, mất ngủ, giật mình khó ngủ lại; ăn uống không ngon miệng, không thèm ăn, bỏ ăn, dẫn đến suy nhược cơ thể; mặc cảm tự t. Nặng hơn là hoang tưởng, có ý nghĩ và hành vi tự sát. |
Nguồn tin: giadinh.net.vn