Kinh tế

Tiết lộ của "dân trong nghề" về loại mít bị khoét trên đầu, bôi chất trắng

Vì sao mít bị vạt đầu, khoét cạnh cuống? Chất màu trắng bôi trên phần bị khoét này là chất gì?

Gần đây, trên chợ mạng, nhiều tiểu thương đang rao bán "mít vạt đầu" với giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, đây là mít Thái, loại thường được đem đi xuất khẩu.

Hiện tại, phía Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng dịch Covid-19 khiến hàng nghìn xe container ùn ứ. Để gỡ vốn, nhiều thương lái đã mang các loại trái cây, trong đó có mít quay về thị trường nội địa bán.

Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng tỏ ra khá lo lắng, hoang mang khi mít bị vạt đầu, bôi một chất màu trắng lên trên. Thậm chí, có những luồng thông tin cho rằng mít bị khoét đầu là để "bôi hóa chất" cho múi vàng, ngọt... Nhưng thực tế có đúng như vậy?

Chờ thông quan quá lâu, những container mít ở cửa khẩu Lạng Sơn quay đầu về Hà Nội để tiêu thụ, xả hàng (Ảnh: Hoài Trang).

Trao đổi với Dân trí, anh Ngô Đức Thọ, chủ một chuỗi cửa hàng nông nghiệp sạch ở Hà Nội, nhận định, mít xuất khẩu đa phần là hàng ngon, quả tròn, đẹp và thường nặng cân.

Tuy nhiên, mít là loại quả không dễ nhìn hình thức bên ngoài mà đoán đúng hết chất lượng bên trong. Thậm chí, những "thợ mít" lành nghề cũng chỉ dám chắc 80% chất lượng quả thông qua việc nhìn và kiểm tra bên ngoài do mít hay bị xơ đen phía trong. Và để xem xơ mít có bị đen không, cách duy nhất là khoét "thăm" trên quả. Nhằm tránh cho mít bị nhiễm khuẩn hay vi khuẩn thâm nhập, anh Thọ cho biết, cách đơn giản nhất là bôi vôi. "Chất màu trắng" trên phần bị khoét của quả mít cũng chính là vôi.

Còn với thông tin mít bị khoét đầu để bôi thuốc, hóa chất kích chín, anh Thọ cho hay: "Nếu để kích chín, để thuốc thì người ta không cần phải vạt đầu mà dùng xi lanh chọc thẳng vào cuống hoặc ngâm quả vào dung dịch, chứ cần gì phải vạt đầu", anh nói.

Anh Thọ nhấn mạnh, hiện nay, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc rất cao, đồng nghĩa với việc hàng hóa phải có chất lượng tốt, đảm bảo. Thế nên, trước khi mua hàng, người tiêu dùng tìm hiểu thông tin là đúng, là cần thiết nhưng mọi người cần chọn lựa những thông tin chính xác, có căn cứ rõ ràng và tránh tâm lý lo lắng, hoang mang.

Nhiều thương lái cho rằng, chỗ vạt đầu của quả mít có chứa một chất màu trắng chính là vôi (Ảnh: H.N).

Đồng quan điểm, anh Đệ, một thương lái buôn mít Thái lâu năm ở Vĩnh Long thông tin, vết cắt vát ở đầu quả mít, gần cuống là cách mà thương lái kiểm tra độ già, chất lượng mít, tránh không mua phải quả nhiều xơ đen.

"Mít Thái có đặc điểm là hay bị xơ đen. Tỷ lệ quả bị xơ đen nhiều hay ít là phụ thuộc vào cách thức và kỹ thuật của nhà vườn. Để chắc chắn mua được hàng tốt, chúng tôi hay dùng dao cắt miếng ở đầu quả mít, gần cuống. Sau khi cắt vậy, quả rất dễ thối, hỏng nên chúng tôi thường bôi vôi lên trên", anh nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cũng cho biết, chỗ vạt đầu của quả mít có chứa một chất màu trắng chính là vôi. Vôi có tác dụng sát khuẩn, hạn chế vi khuẩn thâm nhập.

"Thuốc sát trùng có giá thành rẻ nhất, an toàn nhất chính là vôi. Loại vôi thường được dùng là CaO khi kết hợp với nước sẽ tạo thành Ca(OH)2. Tiếp đó, chất này phản ứng với C02 trong không khí sẽ tạo ra CaCO3, chính là lớp màng cứng, màu trắng bám trên phần vát của quả mít. Chất này không gây độc hại", ông Thịnh phân tích.

Theo ông, người tiêu dùng khi mua mít về sẽ loại bỏ và cắt phần trắng đi rồi mới ăn nên sẽ không gây độc hại. Còn lựa chọn mua hay không mua mít vát đầu sẽ là quan điểm của từng người, miễn sao là mọi người cảm thấy phù hợp và tin tưởng.

Tác giả: Hoàng Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: mít Thái ,ùn ứ ,xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP