Võ Duy Văn là chàng thủ khoa để lại nhiều ấn tượng cho mọi người trong Lễ tuyên dương 88 thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc các trường ĐH, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 bởi gương mặt sáng, nụ cười thân thiện và đặc biệt là bảng thành tích học tập đáng nể.
Trong suốt 6 năm đại học, Văn luôn dành danh hiệu sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc, điểm tổng kết toàn khóa đạt 8,58/10.
Nam sinh cũng từng nhận học bổng Kumhoo Asiana 2012 và Odon Vellet năm 2014, 2015, 2016, 2017.
Trước đó, năm 2012, Võ Duy Văn, chàng trai xứ Nghệ đã cùng lúc thi đỗ cả ĐH Dược Hà Nội và ĐH Y Hà Nội với mức điểm 27,5 và 27,75 cho khối A và khối B. Văn trở thành 1 trong 51 thí sinh trên toàn quốc có điểm thi 2 khối trên 27 theo thống kê của Bộ GD-ĐT.
Võ Duy Văn là 1 trong số 88 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn miếu Quốc tử giám ngày 8/10. |
Vốn có niềm yêu thích với Y khoa từ nhỏ, Võ Duy Văn đã quyết tâm theo đuổi ngành Y đa khoa tại ĐH Y Hà Nội. Ban đầu, nhiệt huyết đến với ngành Y của nam sinh đơn giản là muốn chăm sóc cho những người thân trong gia đình, phần vì sự tò mò. Nhưng càng ngày, Văn càng cảm thấy thích ngành này hơn nữa. Đến giờ, Y khoa không đơn giản là sở thích mà là đam mê chàng trai xứ Nghệ sinh năm 1994 muốn theo đuổi cả đời.
Bước chân vào ĐH Y với suy nghĩ, kiến thức sách vở không chưa đủ: “Ngành Y không chỉ cần kiến thức, mà đòi hỏi rất nhiều khả năng như giao tiếp, nắm bắt tâm lý bệnh nhân, sự tự tin. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng hết sức quan trọng. Nếu muốn cập nhật những kiến thức y học mới trên thế giới, không còn cách nào khác là học ngoại ngữ”.
Do đó, ngay từ năm nhất đại học, văn đã chủ động học thêm Pháp, tiếng Anh, đồng thời tham gia tích cực các CLB trong trường và sau này là tự mở các lớp giảng về y khoa cho các sinh viên khác trong trường.
Chia sẻ thêm, Văn cho biết, trở thành sinh viên ngành Y, đồng nghĩa với việc phải trải qua quá trình học tập vô cùng vất vả theo đúng kiểu "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện bình thường”. Mỗi năm, sinh viên phải trải qua hơn 60 môn học, mỗi môn phải thi từ 2-3 lần, bao gồm các phần từ lý thuyết đến thực tập. Một năm học được chia ra làm 2 mùa là mùa ôn thi và mùa thi. Ngay cả khi đang thi các môn của học kỳ 1, sinh viên đã phải học tiếp những môn của kỳ 2.
Cuộc sống của sinh viên ngành Y được mô tả đơn giản là buổi sáng học tại bệnh viện, chiều học lý thuyết, tối đi trực và gần như không có thời gian rảnh.
Do đó, để cân bằng cuộc sống, Văn luôn tự tìm cho mình những giải pháp tốt nhất để vừa học tốt trên lớp và tham gia các hoạt động khác.
Văn cũng cho biết, trước các kỳ học, năm học mới, em đều ngồi lại để vạch ra cho mình những mục tiêu rõ ràng cũng như tìm ra phương pháp học phù hợp theo các môn học.
Bên cạnh đó, chàng sinh viên ngành Y đa khoa luôn tận dụng mọi cơ hội để học nhóm, thảo luận với những bạn khác, nhằm trao đổi, mở rộng kiến thức và tiết kiệm thời gian học tập.
“Mỗi môn học sẽ có những cách học khác nhau. Để có thể học tốt, em luôn nghĩ rằng phải học sao để mình có thể giảng cho người khác hiểu về vấn đề này. Trường Y có một đặc điểm là sinh viên khóa trên sẽ giảng bài cho sinh viên khác dưới, như vậy, mỗi bài giảng, em phải chủ động tìm hiểu kiến thức và diễn giải. Đây cũng là một lần học, giúp em nhớ kiến thức tốt hơn. Trước những vấn đề phức tạp, cần nghĩ cách để đơn giản hóa, đặt mình vào tâm thế của một người thầy, học sao có thể giảng giải cho người khác hiểu”.
Cũng bởi suy nghĩ đó, ngay từ khi là sinh viên năm 2, Võ Duy Văn đã tích cực tham gia giảng dạy, thuyết trình trước hàng trăm sinh viên khóa dưới.
Đến năm thứ 4 đại học, Văn đã tự mở những lớp giảng riêng kiến thức ngành Tim mạch.
Cũng từ đó, chàng sinh viên Y đa khoa tìm ra niềm đam mê với chuyên ngành Tim mạch và quyết tâm thi đỗ bác sỹ nội trú chuyên ngành này.
Cái được không chỉ là kiến thức
Cầm tấm bằng khen thủ khoa xuất sắc do thành phố Hà Nội trao tặng, Võ Duy Văn cho biết, đây là kết quả sau 6 năm nỗ lực và phấn đấu của bản thân cùng với sự tận tình hướng dẫn, dạy bảo của các thầy cô giáo trong trường. Nhưng những gì em nhận được không chỉ là kiến thức mà còn là cả một thanh xuân rực rỡ với nhiều màu sắc, là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Với Võ Duy Văn, Y khoa đã trở thành đam mê hơn là một ngành học thông thường. |
Kể về môn học ấn tượng nhất, Văn chia sẻ: “Hầu hết các sinh viên đều nghĩ ngay đến môn giải phẫu, nhưng việc tiếp xúc với những xác ướp, với máu đã là chuyện hết sức bình thường của sinh viên ngành Y. Môn em cảm thấy hấp dẫn nhất là tâm thần”.
“Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chúng em được trực tiếp thăm khám cho những bệnh nhân bị trầm cảm, những cuộc thăm khám, hỏi bệnh giống như một cuộc độc thoại của bác sĩ. Lại có những người bị hưng cảm, nói cả ngày không ngừng nghỉ, hay có những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, có những người vừa cười đã khóc. Tiếp xúc với họ, lắng nghe những câu chuyện đằng sau từ phía gia đình, em mới thực sự hiểu hơn về cuộc sống, những gì mà họ đang phải trải qua”, Văn ngậm ngùi chia sẻ.
Suốt 6 năm học tập tại ĐH Y Hà Nội đã cho Văn cơ hội được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khác nhau: “Em đã từng tiếp xúc và chăm sóc cho những bệnh nhi bị mắc Lupus ban đỏ hệ thống, tổn thương đa cơ quan, cuộc sống chỉ tính bằng ngày, hay những bệnh còn rất trẻ, chỉ trạc tuổi em, bị chấn thương tủy sống thắt lưng nặng, không có khả năng phục hồi, phải sống phần đời còn lại trên xe lăn, và cả những bệnh nhân mắc bệnh dại chỉ ở trong buồng tối, tránh ánh sáng và tiếng động…. Những lúc ấy em cảm thấy vừa thương, vừa bất lực, chỉ có thể an ủi động viên người nhà, chăm sóc họ những bước cơ bản vì mới chỉ là sinh viên. Càng chứng kiến bệnh nhân phải vật lộn, đấu tranh với bệnh tật hàng ngày, em càng khao khát và quyết tâm để sớm trở thành một bác sỹ”.
Kết thúc 6 năm học đại học, cuộc sống của Văn cũng như bao bác sỹ nội trú khác đều gắn liền với bệnh viện, với những đêm không ngủ để trực, theo dõi sức khỏe bệnh nhân, những bữa cơm trưa thường bắt đầu lúc 3 giờ chiều, bữa tối lúc nửa đêm, có khi mới chỉ kịp cầm đũa, chưa kịp ăn.
Nhưng với Văn, đây là những tháng ngày thực sự ý nghĩa. “Em nghĩ sẽ còn nhiều khó khăn trong 3 năm nội trú. Đây là thời gian vàng thử lửa, em lại thấy nó quý giá và ý nghĩa hơn là vất vả. Đây cũng là lúc chúng em phải thực sự ý thức trước mỗi việc làm, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí dẫn đến mất mạng”.
Tâm sự thêm, nam thủ khoa của ĐH Y Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt 3 năm bác sỹ nội trú để được thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ chính chức chuyên khoa về Tim mạch./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo VOV