Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7 vừa qua, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phản ánh tình trạng dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính.
Giải trình bằng văn bản với đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó phía NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực “tiềm ẩn rủi ro” như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
“Tốc độ tăng trưởng và tỉ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm”, bà Hồng nhấn mạnh, và dẫn chứng, dòng tiền đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỉ trọng nhỏ, chỉ 0,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản).
Thống đốc lý giải, những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm. Nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Theo bà Hồng, việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành. Về phía ngành ngân hàng, tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát.
Thống đốc cho biết, trong thời giai tới, NHNN tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, đồng thời kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng |
Phản hồi văn bản, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, mọi ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang trong tình thế lưỡng nan khi buộc phải kéo dài nới lỏng tiền tệ. Việc này để hỗ trợ nền kinh tế quốc nội vượt qua những khó khăn của thời đại dịch, dù rất hiểu hệ lụy dài hạn không mong muốn.
Còn ở Việt Nam, thực tế hơn một năm qua, dòng tiền đang lưu thông khá bất bình thường trong tổng thể thị trường tài chính - tiền tệ. “Hệ lụy là tạo ra những bong bóng tài sản và những méo mó, mất cân bằng tài chính khác”, ông Đồng nhận định, đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý có những quyết sách sáng suốt cả cho ngắn hạn và dài hạn.
Tác giả: Luân Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền Phong