Cải cách thể chế, đổi mới, sáng tạo là những thông điệp chính được đưa ra trong hội thảo Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế được tổ chức ngày 30/5.
Trước đó, Báo cáo Việt Nam 2035 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Thế giới thực hiện đã chỉ ra những tồn tại lớn về thể chế, tạo ra rào cản cho hoạt động tự chủ của khu vực tư nhân như năng lực yếu và trách nhiệm giải trình thấp.
Bất cập thể chế làm cho kinh tế Việt Nam chậm phát triển. Ảnh AP
Tại hội thảo, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) – Nguyễn Văn Vịnh cho biết, ở thế kỷ 19, Việt Nam có kinh tế ngang bằng và thậm chí vượt xa so với một số nước trong khu vực nhưng nay lại tụt hậu và bị chính những nước khu vực bỏ lại rất xa. Ông Vịnh cho rằng nguyên nhân chính nằm ở những bất cập của thể chế. Do vậy, cần phải cải cách ngay trước khi bị bỏ lại xa hơn.
"Có rất nhiều nước có nền kinh tế tương đồng khi ấy như Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh. Với quá trình cải cách như hiện nay, Việt Nam bị bỏ lại rất xa so với nhiều nước trên thế giới", ông Vịnh nói và nhấn mạnh thông điệp quan trọng nhất của báo cáo là đổi mới liên tục và mạnh mẽ mới có thể phát triển.
Ông Vịnh cho rằng có 3 vấn đề chính trong đổi mới thể chế. Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, ở độ chín nhưng nếu không khai thác được thế mạnh thì cơ hội sẽ trôi đi. Thứ hai, động lực của Đổi mới 30 năm trước với những giải pháp thời kỳ đó giờ đã hết tác dụng nên cần đưa ra những chính sách mới mạnh mẽ hơn, phù hợp xu thế thời đại. Thứ ba, từ những năm 90 đến nay, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng và ký kết nhiều hiệp định thương mại, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
"Ta đang rơi vào tình trạng trì trệ và cần phải có sự thay đổi. Những nhân tố tăng trưởng đang có xu hướng giảm, năng suất bình quân lao động gia tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn. Năng suất lao động giảm thì sức cạnh tranh yếu đi, làm cho kinh tế trì trệ không phát triển được", ông Vịnh nói.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI nhận định nếu quyết tâm nỗ lực thì trong 20 năm nữa, Việt Nam có thể đạt mức phát triển của Hàn Quốc năm 2000. Còn nếu ngược lại, nền kinh tế sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Theo bà Hằng, mục tiêu của Báo cáo 2035 rất rõ ràng nhưng thực hiện như thế nào thì phụ thuộc vào Việt Nam. Nếu như cứ tăng trưởng 5% như hiện nay thì đến 2035 cũng chỉ đạt được mức phát triển kinh tế Brazil năm 2000.
Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ rõ sự bất cập của thể chế kinh tế Việt Nam. "Nhà nước kém hiệu lực lại là một nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ năng suất và môi trường kém thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát", báo cáo cho hay.
Tình trạng thương mại hóa thiết chế công tạo dư địa để một số quan chức lạm dụng thẩm quyền điều tiết thị trường, thực thi pháp luật và phân bổ quyền tài sản nhằm thu lợi cho mình và thân hữu.
Hiệu quả của Nhà nước cũng bị xói mòn bởi tình trạng thiên vị cho các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có mối quan hệ thân hữu, dẫn đến những quyết sách không minh bạch.
Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền lực của mình trong thu hồi và kiểm soát giá đất. Tranh chấp đất đai là lý do chính của rất nhiều khiếu kiện với chính quyền và phần lớn trong số đó là do bất đồng về mức bồi thường trong thu hồi đất.
Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – Nguyễn Đình Cung cho rằng các mối quan hệ thân hữu tràn lan đã làm môi trường kinh doanh méo mó, sai lệch và thiếu minh bạch.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam lại nhìn nhận việc nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Đứng trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, số phận các doanh nghiệp này rất mong manh. Vì vậy, bà đề nghị Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ, lắng nghe những đóng góp về thể chế của phía doanh nghiệp.
"Chính phủ phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, xác định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình Nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình", bà Victoria nói. Báo cáo 2035 đặt ra mục tiêu GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.000 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.
Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc khẳng định Báo cáo Việt Nam 2035 đã định hướng tầm nhìn dài hạn trong 20 năm tới, tạo ra sự phấn khích, niềm tin ở cộng đồng doanh nghiệp. Ông Lộc nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp, doanh nhân phát triển thì thể chế rất quan trọng. "Thể chế nào doanh nghiệp đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn tác động ngược lại, là cơ sở để thay đổi thể chế ngày càng hoàn thiện, hiện đại hơn", Chủ tịch VCCI nhận định.
Để đạt được những khát vọng, mục tiêu mà Báo cáo Việt Nam 2035 đề ra, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần cải cách theo hướng áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế.
Các cơ quan Nhà nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quy định kinh tế sẽ không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích. Nhà nước sẽ chuyển đổi vai trò từ thiên về sản xuất kinh doanh sang xây dựng khung khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng.
"Nhà nước không những phải giảm số lượng và đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước mà phải tăng cường quản trị những doanh nghiệp Nhà nước còn lại, chấm dứt ưu đãi cho họ cũng như các doanh nghiệp tư nhân thân hữu", báo cáo nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng cho rằng phải thiết lập ranh giới rõ ràng giữa khu vực tư nhân và quan chức Nhà nước để tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, sử dụng hiệu quả về vốn.
Tác giả bài viết: Bạch Dương