Giáo dục

Thầy giáo 'khắc tinh của đuối nước'

Ông Nguyễn Viết Tước (46 tuổi, giáo viên dạy môn thể dục tại trường TH và THCS Hải Vĩnh - đóng tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) được nhiều người mệnh danh là thầy giáo “khắc tinh của đuối nước”.

Các em học sinh của thầy Tước khởi động trước giờ học bơi.

Mở đầu câu chuyện, thầy giáo Nguyễn Viết Tước cho biết, năm 2000, sau khi tốt nghiệp một trường Đại học thể dục thể thao ở TP Đà Nẵng, ông Tước đã về công tác tại trường THCS Hải Hòa.

Đến năm 2003, ông Tước được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị liên hệ để huấn luyện, chọn lọc các em tham gia đội tuyển đi thi đấu các giải về bơi lội. Cùng thời điểm này, nhiều phụ huynh gửi gắm con em nhờ dạy bơi.

Ông Tước nhớ lại: “Năm 2007, trong khi đang lên lớp, tôi nghe tiếng hô hoán có người bị đuối nước ở bến nước trong làng thì tức tốc chạy ra ứng cứu nhưng không kịp. 2 chị em ruột đã tử vong thương tâm. Trong vụ việc ấy, người em bị sảy chân đuối nước, người chị cố gắng cứu em nhưng bất thành. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến cảnh này và bắt đầu mong muốn mở lớp dạy bơi từ thời điểm đó”.

Một vụ đuối nước khác cũng ám ảnh ông. Đó là năm 2008, 2 ông cháu trên địa bàn huyện Hải Lăng dùng thuyền đi chăn vịt. Người cháu ngồi trên mũi thuyền không may bị rơi xuống nước. Người ông cố gắng lặn ngụp trong dòng nước để tìm, cứu cháu nhưng không được. Đứa bé ấy đã mãi mãi ra đi để lại nỗi đau đớn tột cùng cho gia đình. Và, sự ra đi thương tâm của đứa trẻ ấy cũng khiến ông Tước thêm phần trăn trở, quyết tâm mở lớp dạy bơi.

Bắt tay vào công việc, thầy giáo dạy môn thể dục đi khắp đường làng, lối xóm để tìm vị trí thích hợp tổ chức lớp dạy bơi. “Không có tiền xây bể nên vị trí tôi hướng đến là những ao làng, con kênh. Tuy nhiên, khi mang nước đi thử và mang cả clo đến khử cũng không có tác dụng. Nước bẩn quá, không thể tổ chức lớp dạy bơi được” - ông Tước kể.

Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, năm 2011, ông Tước bỗng phát hiện dòng kênh N4 (xã Hải Vĩnh cũ, nay đã sáp nhập thành xã Hải Hưng) là địa điểm thích hợp để mở lớp. Lập tức, ông Tước gửi thông báo, gửi tâm tư, nguyện vọng của mình đến chính quyền địa phương, đến lãnh đạo nhà trường về việc xin mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong vùng.

Lớp học bơi miễn phí của thầy dạy bơi chính thức đi vào hoạt động từ ngày ấy với khoảng 65 học trò.

Đến nay đã có khoảng 2.000 học trò tham gia lớp dạy bơi miễn phí của mình nhưng với sự thành thực, khiêm tốn, ông Tước nói: “Ước mơ thì lớn quá nhưng bằng tất cả sự trăn trở, tôi sẽ hành động để không có thêm vụ đuối nước thương tâm nào nữa”.

Gần đây, ông Tước không phải đơn độc trong việc đứng lớp dạy bơi nữa, bởi lẽ, bên cạnh ông đã có thêm 4 cộng sự khác, cũng là giáo viên dạy thể dục ở các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

“Hiện nhiều phụ huynh đã hiểu được tầm quan trọng của học bơi vì vừa giúp trẻ phát triển thể chất, vừa giúp các em bảo vệ mình khi hoạt động dưới nước. Chỉ mong chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm… tạo điều kiện về cơ sở vật chất để tôi được tiếp tục công việc ý nghĩa này” - ông Tước chia sẻ.

Những năm gần đây, thầy Tước được nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên hệ dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Với những cống hiến của mình cho ngành giáo dục nói chung và trong việc dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng, thầy Tước đã nhiều lần được ngành Giáo dục, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, tuyên dương.

Tác giả: Nghĩa Văn

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP