Những con số thống kê dù chưa thật đầy đủ nhưng cũng có thể tạm xác định cho đến thời điểm hiện tại, Trần Thị Thanh Thúy chính là VĐV bóng chuyền Việt Nam thi đấu cho nhiều đội bóng nước ngoài nhất trong lịch sử. Chỉ gián đoạn đúng một năm, Thúy "4T" lần lượt xuất ngoại thi đấu cho Bangkok Glass VC (Thái Lan), Attack Line (Đài Loan - Trung Quốc), Denso Airybees và PFU BlueCats (Nhật Bản) kể từ năm 2015 đến nay.
Cú chuyển nhượng đưa Thúy đến PFU BlueCats với mức phí 250.000 USD/năm (hơn 5 tỉ đồng) cũng chính là bản hợp đồng đáng mơ ước đối với mọi VĐV bóng chuyền Việt Nam. Thu nhập cao cũng tạo nên áp lực rất lớn với Thúy - không chỉ phải thay đổi vị trí thi đấu trên sân mà còn luôn phải tìm cách thích nghi với cuộc sống lẫn môi trường tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp ở nước ngoài.
Thử thách giúp Thanh Thúy trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Sự trưởng thành và dấu ấn của nữ chủ công số 1 Việt Nam được người hâm mộ từ Thái Lan đến Nhật Bản ngưỡng mộ, dù cô đang khoác áo đội bóng không thuộc hàng tiếng tăm của Giải Vô địch quốc gia Nhật Bản như PFU BlueCats. Thế nhưng, do tần suất ra sân của Thúy ngày càng nhiều, khả năng tấn công của cô được xếp trong tốp 5 và danh sách những cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất tại giải đấu xứ mặt trời mọc cũng có tên thủ quân đội tuyển Việt Nam.
Vinh quang gắn liền với trọng trách… Thanh Thúy giờ vẫn phải liên tục xuất hiện tại Việt Nam và Nhật Bản như con thoi, gánh vác trọng trách cùng đội bóng chủ quản VTV Bình Điền Long An (dự Đại hội Thể thao toàn quốc 2022), chiến đấu cùng PFU BlueCats ở giải nhà nghề Nhật Bản hay làm nhiệm vụ cùng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
Thanh Thúy (3) là thủ lĩnh tại đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia. (Ảnh: AVC) |
Ở đâu, cô gái quê Bình Dương cũng chiến đấu hết mình, luôn cố gắng thêm một chút vì thành công của đội bóng. Suýt không được dự AVC Women Cup 2023 vì một vài lấn cấn về thủ tục lẫn tư cách cầu thủ nhưng rồi Thúy "4T" chính là nhân tố tích cực giúp tuyển Việt Nam lần đầu lên ngôi vô địch và bản thân cô được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Suýt nữa mục tiêu lớn nhất trong đời Thanh Thúy và rất nhiều đồng nghiệp thành hiện thực ở trận chung kết SEA Games 32. Những chiến thắng gian nan trước Singapore, Campuchia, Philippines rồi Indonesia hun đúc nên quyết tâm của Thanh Thúy và đồng đội, mơ thực hiện màn lật đổ đại kình địch Thái Lan như các thế hệ bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm và đã thất bại suốt 11 kỳ SEA Games trước đó.
"Thúy và đồng đội đều đã chiến đấu hết mình, làm tất cả những gì cần có để hướng tới tấm HCV. Lực bất tòng tâm, tuyển Việt Nam không làm được hơn đối thủ nhưng cũng không quá sầu thảm vì thất bại. Tương lai còn ở phía trước, bóng chuyền Việt Nam vẫn chờ thời khắc thăng hoa" - Thanh Thúy chia sẻ ngay sau trận chung kết bóng chuyền nữ SEA Games tại sân Olympic ở thủ đô Phnom Penh một ngày tháng 5-2023.
Nói về cô học trò cưng của mình, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cho rằng Thanh Thúy trưởng thành và bản lĩnh hơn nhiều so với chính cô tại SEA Games 31. "Thúy thể hiện sự tự tin và đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần trên sân cực kỳ hoàn hảo. Ở trận chung kết với Thái Lan, Thúy đã chơi với hơn 100% phong độ và khả năng, hơi tiếc khi đối thủ quá mạnh, còn đội tuyển vẫn cần phải hoàn thiện vì tương lai" - HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói.
Dễ dàng vượt qua 2 đối thủ Mông Cổ và Uzbekistan với cùng tỉ số 3-0, tuyển Việt Nam dẫn đầu bảng D của AVC Challenge Cup 2023 đang diễn ra tại đảo Tây Java - Indonesia. Theo kết quả bốc thăm, đội sẽ lần lượt chạm trán 2 đội xếp nhì và nhất bảng B (Iran, Đài Loan - Trung Quốc) vào các ngày 21 và 23-6. Nếu đứng trong 2 hạng đầu nhóm đấu chéo này, đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ lọt tiếp vào bán kết, thi đấu ngày 24-6. Trận chung kết và tranh hạng ba của AVC Challenge Cup 2023 diễn ra vào ngày 25-6. Theo đánh giá chuyên môn, ngoài Đài Loan (Trung Quốc), tuyển Việt Nam cần thận trọng khi chạm trán Indonesia ở giai đoạn tiếp theo. Đội chủ nhà được đánh giá là ứng viên vô địch nặng ký cùng với Việt Nam, sau khi đội Kazakhstan rút lui vào giờ chót. Nếu thành công, tuyển Việt Nam sẽ giành quyền tham dự FIVB Challenge Cup vào cuối năm, một cơ hội thật sự để bóng chuyền nữ ra "biển lớn". |
Tác giả: Đào Tùng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động