Cuộc sống

Tết Đoan Ngọ thắp hương vào giờ nào là chuẩn nhất? Mâm cúng gồm những gì? Thì ra nhiều người chưa biết

Đã nghe nhiều về ngày Tết Đoan Ngọ song không phải ai cũng biết cần chuẩn bị gì cho ngày này và nên cúng vào giờ nào là chuẩn nhất.

Bên cạnh những ngày lễ Tết truyền thống theo dân gian như Tết Nguyên đán, ngày cúng Ông Công Ông Táo, ở Việt Nam nói riêng hay các nước châu Á nói chung vẫn còn rất nhiều ngày đặc biệt khác, được tính theo lịch Âm. Sắp tới đây, sẽ có một ngày như vậy, vào ngày 5/5 Âm lịch, gọi là Tết Đoan Ngọ.

Vào ngày này, hầu hết mọi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cúng thật đầy đủ để thắp hương trên ban thờ ông bà, gia tiên. Nghe đã nhiều nhưng thực tế, không phải ai cũng biết cần có những gì để bày trên mâm cúng và thắp hương vào giờ nào là chuẩn nhất.

Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch là một trong những ngày lễ quan trọng đối với văn hóa người Việt (Ảnh minh họa)

Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ và giờ cúng chuẩn nhất

Theo nhiều tài liệu ghi lại, bên cạnh Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được tổ chức ở nhiều nơi khác thuộc châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản. Cái tên đã thể hiện ngày cũng như giờ chuẩn nhất mà các gia đình nên thực hiện các nghi thức cúng cho ngày này.

Cụ thể, "Đoan" có nghĩa là mở đầu, còn "Ngọ" nghĩa là giờ Ngọ, khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Chính bởi vậy giờ chuẩn nhất để thực hiện các nghi thức cúng và ăn Tết Đoan Ngọ chính là vào buổi trưa, có thể bắt đầu từ lúc bắt đầu giờ Ngọ.

Giờ chuẩn nhất để thắp hương Tết Đoan Ngọ là giờ trưa (Ảnh minh họa)

Ngoài cái tên Đoan Ngọ, ngày 5/5 Âm lịch còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết Đoan dương. Cái tên này mang ý nghĩa là bắt đầu lúc khí dương trong ngày đang thịnh, cũng chính là vào khung giờ trưa đến đầu giờ chiều.

Ở Việt Nam, người ta còn truyền miệng nhau gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ. Nguyên nhân đó là bởi theo vòng tuần hoàn thời gian và thời tiết, ngày 5/5 Âm lịch ở nước ta rơi vào khoảng thời gian nắng nóng, sâu bọ phát triển nhiều. Với nghề làm lúa nước và trồng trọt cây ăn trái đã phát triển từ lâu, người xưa quan niêm diệt sâu bọ sẽ giúp mùa màng tốt tươi hơn. Bởi vậy, cái tên "Tết diệt sâu bọ" ra đời từ đó.

TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin thêm, người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch. Do đó, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Thời gian này, người dân có truyền thống tổ chức lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng vụ mùa. "Đoan Ngọ có thể hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm", TS Trần Long nói.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là ngày diệt sâu bọ (Ảnh minh họa)

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ bao gồm những gì?

Một mâm cúng Tết Đoan Ngọ truyền thống nhất sẽ bao gồm hoa quả tươi ngon, bánh gio (bánh tro) và nhất định không thể thiếu rượu nếp. Trong đó, hoa quả thường được chọn sẽ phải là loại có vị chua, ngọt và một chút vị chát. Bởi vậy, 2 loại quả thường thấy xuất hiện trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ là mận và vải. Nguyên nhân cũng là bởi vào thời gian tháng 5 này, 2 loại trái cây này đang vào vụ, được bày bán nhiêu nên người dân thường chọn để mua về bày thắp hương.

Như đã nói, mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng không thể thiếu món rượu nếp. Nhiều người quan niệm, Tết diệt sâu bọ không chỉ diệt sâu bọ cho cây trồng mà còn diệt các loại vi khuẩn bên trong chính cơ thể con người. Rượu nếp sẽ giúp hỗ trợ việc này bởi nó có tác dụng kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm hay các ký sinh trùng trong cơ thể.

Một mâm cúng Tết Đoan Ngọ cơ bản sẽ bao gồm quả có vị chua, rượu nếp, bánh gio (Ảnh minh họa)

Bánh gio hay bánh tro cũng có tác dụng tương tự. Bánh được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Loại bánh này cũng đem lại sự ngon miệng, dễ ăn, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật ong.

Ngoài ra hiện nay để tăng sự thẩm mỹ cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ, nhiều gia đình còn thêm vào các loại hoa như hoa sen trắng, hoa sen hồng, hoa cau, các loại bánh sắc màu như bánh xu xê, xôi cốm...

Bên cạnh vải, mận, rượu bếp, bánh gio, mâm cúng Tết Đoan Ngọ ngày nay còn được bổ sung thêm nhiều lễ vật để tạo thêm sự đẹp mắt (Ảnh minh họa)

Ở những vùng miền khác như miền Trung hay miền Nam, các thành phần tạo nên mâm cúng cũng có sự thay đổi sao cho phù hợp với đặc sản địa phương. Ví dụ như ở miền Trung, ngoài hoa quả, rượu nếp, bánh tro có thể được thay bằng bánh ú, có thể có cả bánh kê tại một số địa phương. Và đặc biệt không thể thiếu món thịt vịt. Bởi thịt vịt được quan niệm là có tính mát, giúp giải nhiệt cơ thể, bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

Hay ở miền Nam, có thể có món giống như xôi chè ở miền Bắc, hay cơm rượu vo lại thành viên tròn, hòa trong nước đường và nước cốt dừa; bánh ú có nhiều biến tấu khác như nhân mặn, nhân ngọt với đậu xanh, sầu riêng...

Tết Đoan Ngọ ở miền Trung sẽ có chè kê, thịt vịt, còn miền Nam sẽ có xôi chè, cơm rượu (Ảnh minh họa)

Dù mâm cúng được chuẩn bị thế này, người người nhà nhà vẫn cố gắng sao cho đầy đủ và tươm tất nhất có thể, dâng lên ban thờ ông bà gia tiên trong ngày 5/5 Âm lịch. Ngày Tết Đoan Ngọ dần trở thành một trong những ngày lễ truyền thống, thể hiện nét đẹp trong văn hóa người Việt.

Tổng hợp

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP