"Làm ơn đừng vô cảm với chúng tôi"
Chủ nhân của bài chia sẻ khá dài này là Nguyễn Siêu, hiện đang là du học sinh năm thứ tư, ngành Truyền thông và Điện ảnh tại đại học Vassar, New York, Mỹ.
Nguyễn Siêu là một người học Truyền thông nên trang cá nhân của anh thường xuyên đăng tải những bài viết về các vấn đề văn hoá, xã hội.
Do đó, chủ đề nóng hổi đang được dư luận đặc biệt quan tâm và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Nguyễn Siêu cũng như nhiều du học sinh Mỹ khác là một vấn đề mà chàng trai này không thể bỏ qua.
Siêu tâm sự rằng: "Mình viết khá nhiều, thường thì những bài viết đó mang tính quan điểm, tức là sẽ có người đồng ý, có người phản đối, và mình cũng quen với việc những bạn đọc khác tranh luận trên bài đăng của mình rồi.
Chỉ có một điều là, bài viết này không hề có ý định gây tranh luận, hay bày tỏ quan điểm. Mình không nói Hillary Clinton nên thắng, hay các bạn nên phản đối Donald Trump.
Bài viết chỉ muốn gửi một thông điệp là: Đang có rất nhiều người buồn, nhiều người khóc, nhiều người lo lắng, nên chúng ta hãy hỏi thăm nhau và yêu thương nhau nhiều hơn."
Chân dung Nguyễn Siêu - chàng du học sinh với bài chia sẻ khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Trong phần đầu của bài viết, chàng du học sinh Mỹ gửi gắm thông điệp rằng mọi người đừng dửng dưng, vô cảm với những gì mà người Mỹ và đặc biệt là cộng đồng du học sinh Mỹ đang phải đối diện sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống. Hãy hiểu và đồng cảm với nỗi lo sợ của họ.
Bởi chúng ta không thật sự "sống" trong bầu không khí "nóng" mà cuộc bầu cử này mang lại, không tiếp xúc trực tiếp với những người mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Nên đừng dửng dưng hay thậm chí đùa giỡn trước sự hoang mang của người khác!
Anh viết: "Trong 48 giờ vừa rồi, mình đọc được những dòng status nói rằng chúng mình đang phản ứng thái quá. Mình thực lòng mong các bạn hãy rút lại những lời nói đó, vì đây không phải là một trò đùa.
Rất nhiều người Mỹ đang sống trong sợ hãi và nước mắt. Những người da màu, phụ nữ, người thuộc cộng đồng LGBTQ+, người khuyết tật đang phải đối mặt với nguy cơ bị kỳ thị, bị áp bức bởi một chính phủ chỉ ưu tiên những người da trắng, người giàu và nam giới".
Để minh chứng những điều mình lo sợ là có cơ sở, Nguyễn Siêu kể về những nỗi đau đớn và sợ hãi mà một bộ phận người dân sống tại Mỹ đang phải đối mặt:
"Em trai một người bạn của mình ở Texas đã bị lũ bạn cùng lớp sỉ nhục vì em là người đa đen sáng hôm nay.
Trong một câu chuyện được share rất nhiều trên Facebook, chị Kathy Mirah Tu, một người Mỹ gốc Việt tại Minnesota, đã bị một tên đàn ông da trắng tóm lấy cổ tay và hét vào mặt rằng "Go back to Asia!"
Một lá cờ lục sắc, biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+ đã bị đốt cháy tại thành phố Rochester, New York. Những dòng chữ, "Hôn nhân đồng giới phải bị bác bỏ. Bọn gay hãy chết hết dưới địa ngục đi" được dán lên một chiếc ô tô tại North Carolina.
Các bạn hãy hiểu rằng, rất nhiều người đang khóc, nhiều gia đình đang run sợ, rằng nỗi đau từ những lời xúc phạm, từ bạo lực là những nỗi đau có thật, và chúng đang diễn ra ngày một nhiều hơn".
"Thứ hai, làm ơn đừng nói vì chúng mình chỉ là du học sinh Việt Nam, chúng mình không nên khóc than cho các bạn Mỹ hay bình luận về chính trị Mỹ.
Dù không phải công dân Mỹ, nhưng với màu da vàng của người châu Á, chúng mình hoàn toàn có thể bị những người Mỹ trắng sỉ nhục, bắt nạt, quát vào mặt đuổi về nước.
Với những ai muốn ở lại kiếm công ăn việc làm, họ đang lo lắng vì Trump nói sẽ không cấp visa H1B nữa.
Trong hai ngày qua, rất nhiều bạn bè của mình đã khóc. Những nhà báo mình làm việc cùng tại ABC cũng khóc. Cha mẹ của họ khóc trên điện thoại vì sợ hãi, gọi điện cho họ lúc 2h sáng để đảm bảo họ không bị bắn khi những kẻ bạo lực da trắng vùng lên.
Với tư cách cơ bản nhất là một con người, mình có quyền lo lắng cho họ.
Thứ ba, làm ơn đừng nói rằng "Kết quả đã rồi. Đừng khóc nữa, chấp nhận sự thật thôi." Bạn có thể là người mạnh mẽ, nhưng những người khác thì không.
Bạn có thể không bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử, nhưng nhiều người khác thì có...Mình chưa bao giờ an ủi người khác bằng câu, "Đừng khóc nữa," vì trong thời khắc hoảng loạn, bộc lộ những cảm xúc tự nhiên là một cách để chúng ta cân bằng.
Hơn nữa, khi cuộc sống của họ bị đe doạ, họ được quyền không bằng lòng với kết quả bầu cử và tiếp tục đấu tranh...
Đêm ngày hôm qua, biểu tình đã diễn ra xuyên suốt tại San Francisco, New York, Chicago, Los Angeles, Philadelphia, Boston, Portland, Washington, D.C., một sự nổi dậy toàn quốc mà thầy giáo mình bảo rằng chưa từng thấy trong suốt 30 năm qua.
Đừng bảo người khác bỏ cuộc, chấp nhận, mà hãy động viên họ tiếp tục chiến đấu cho cuộc sống của mình.
Thứ tư, làm ơn đừng nói rằng Trump phù hợp làm Tổng thống vì ông ta giàu...Có tiền, có công ăn việc làm là tốt, nhưng cách đối nhân xử thế mới làm nên giá trị con người...
Hơn nữa, bạn cũng là người châu Á như chúng mình thôi. Ở Việt Nam, bạn có thể nói bạn ủng hộ Trump, vì bạn sống trong một xã hội toàn người châu Á và không trực tiếp trải nghiệm sự phân biệt chủng tộc.
Nhưng nếu bạn sống ở Mỹ, thì tới lúc ấy bạn mới thấu hiểu những gì những người tại đây đang chịu đựng.
Thứ năm, làm ơn đừng nói "Chưa gì đã kêu, phải đợi xem ông ta làm gì rồi mới đánh giá." Việc Trump ban hành những chính sách nào trên tư cách Tổng thống là một chuyện, nhưng chiến thắng của Trump còn có một ý nghĩa biểu tượng lớn hơn.
Những người da trắng, những người giàu, nam giới từ giờ sẽ nghĩ rằng việc xúc phạm và ức hiếp người khác là chuyện bình thường…
Cuối cùng, làm ơn đừng nói đây chỉ là một câu chuyện chính trị...".
"Tình yêu thương là miễn phí và là vũ khí mạnh nhất để chiến thắng áp bức, hận thù"
Trả lời tôi về quan điểm của mình xoay quanh bài viết, Nguyễn Siêu khẳng định việc chia sẻ tâm sự này của bản thân xuất phát từ hành động nhân văn cơ bản, và không hề mang tính chính trị.
Anh cho rằng giả sử bạn có ủng hộ Trump, nhưng bạn có một người bạn tại Mỹ ủng hộ Clinton và thấy hoang mang, lo sợ, bạn vẫn có thể gạt qua tư tưởng chính trị của mình để hỏi thăm người bạn kia, dưới tư cách con người đối xử với con người.
Chỉ sau 2 ngày đăng tải, bài viết bất ngờ nhận được 33 nghìn lượt thích, gần 20 nghìn lượt chia sẻ và bình luận, đây là những con số biết nói, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đồng cảm của dư luận với những gì mà cộng đồng du học sinh và rất nhiều người sống ở Mỹ đang phải trải qua.
Không những thế, quan điểm mà Nguyễn Siêu đưa ra cũng tạo nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ. Chàng du học sinh chia sẻ: "Khi mọi người bàn tán, và một bộ phận bình luận chỉ nói về chính trị, bảo vệ Trump, ghét bỏ Clinton, hoặc chửi rủa mình nên về nước... mình thấy nó không liên quan.
Đấy là điều làm mình ngạc nhiên. Ngạc nhiên thôi, không đảo lộn cuộc sống đâu. Ngạc nhiên vì mọi người không đọc kỹ và đọc hết, không hiểu ý chính của bài viết mà đã vội quy chụp quan điểm chính trị".
Nguyễn Siêu mong muốn tình yêu thương luôn được lan tỏa, bởi yêu thương người khác chưa bao giờ cần phải đến từ lợi ích cá nhân.
Cuối cùng, Nguyễn Siêu khuyến khích một người nên làm những hành động sau bằng lời lẽ khiêm tốn nhất:
"Đầu tiêu, hãy hỏi thăm những người bạn của mình đang du học ở Mỹ. Thay vì viết status, hãy gửi tin nhắn tới ai đó, hỏi người đó có ổn không, có an toàn không...
Hai, hãy lắng nghe du học sinh chúng mình bộc lộ cảm xúc, hãy đọc những trải nghiệm chúng mình chia sẻ.
Thay vì cố gắng dùng lý thuyết và phán đoán để phân tích chuyện gì sẽ xảy ra với nước Mỹ, tại sao bạn không trực tiếp lắng nghe từ chính những người đang sinh sống ở đây?...
Hãy tình nguyện trở thành "nhân vật phụ" để lắng nghe câu chuyện của người khác, hãy tình nguyện không nói gì một vài ngày để trở thành chỗ dựa đáng tin cho những người các bạn yêu thương.
Điều cuối cùng, vì mình tin rằng các bạn thông minh và rất hiểu biết, nên thay vì làm chính trị gia trên Facebook, hãy trở thành một chính trị gia thật sự..."
Chủ nhận bài viết nhấn mạnh rằng mục đích khiến anh đưa ra quan điểm, suy nghĩ của mình không phải để chỉ trích mọi người.
Thay vì cố gắng phân tích, giải thích tại sao Trump thắng, hay phản đối quan điểm của ai đó, anh chỉ hi vọng mọi người sẽ dành thời gian để hỏi thăm, để quan tâm tới những người đang phải tận mắt chứng kiến hệ quả của cuộc bầu cử này.
Ai cũng muốn trở thành ngôi sao trên mạng xã hội, nhưng hãy đợi một thời gian, đợi nỗi đau tạm lắng xuống. Còn lúc này, hãy dành thời gian để yêu thương người khác!
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: