Xã hội

“Siêu dự án” bệnh viện bỏ hoang: Do tỉnh Nam Định vung tiền bừa bãi cho nhà thầu?

Cán bộ thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng, chủ đầu tư là UBND tỉnh Nam Định đã vung tiền rất bừa bãi cho nhà thầu do đó bị “tuýt còi” không được cấp vốn tiếp.

Liên quan đến Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư trên 850 tỷ đồng đã chậm tiến độ hơn 6 năm và đang có nguy cơ bỏ hoang theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ năm 2014 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử Thanh tra vào cuộc.

Tại Kết luận thanh tra số 8530/BKHĐT-TTr ngày 12.11.2014 của Bộ KHĐT về những tồn tại của dự án này chỉ rõ:

Gói thầu BVH1 có giá trị 87,3 tỷ đồng do liên danh Công ty cổ phần xây dựng 504-Vinaconex và Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cùng thực hiện.

Tại thời điểm thanh tra tháng 4/2010, Vinaconex-504 đã cơ bản hoàn thiện phần việc của mình còn UDIC, dù đã được tạm ứng và thanh toán 26,4 tỷ đồng, tương đương 91% giá trị hợp đồng nhưng sau 5 năm triển khai mới chỉ đạt hơn 22 tỷ đồng, dư ứng 4,3 tỷ đồng.

Mặc dù được ứng trước với giá trị lớn, sau 3 năm chậm tiến độ dự án vẫn chưa hoàn thành nhưng 2 nhà thầu vẫn được bù giá nhân công và máy thi công thêm gần 7 tỷ đồng.

Gói thầu BVH4 có giá trị 60,8 tỷ đồng. Một ngày sau khi kí hợp đồng, chủ đầu tư đã tạm ứng cho UDIC 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, đến thời điểm thanh tra, nhà thầu mới chỉ thực hiện được khoảng 1,3 tỷ đồng.

Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định quy mô 700 giường bệnh hứa hẹn sẽ là bệnh viện trung tâm vùng đã chậm tiến độ hơn 6 năm. Ảnh: Cao Tuân

Nghiêm trọng hơn cả là tại gói thầu BVH2, Thanh tra bộ KHĐT khẳng định, Ban QLDA XD đã ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để UDIC sử dụng nguồn ứng trước Trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 chưa đúng quy định, với số lượng tiền lớn và thời gian dài.

Cụ thể, từ ngày 29.12.2009 đến ngày 30.12.2010, Nam Định đã bạo tay chuyển cho UDIC hơn 94 tỷ đồng trong khi đơn vị này chưa xây được nổi một viên gạch nào. Đến thời điểm tháng 4.2014, cơ quan thanh tra kết luận: Nhà thầu đã không thực hiện dự án từ đầu năm 2013; Gói thầu này đã chậm tiến độ hơn 2 năm và sau 4 năm triển khai, giá trị khối lượng mới đạt được xấp xỉ 40 tỷ đồng, đương đương 35,18% giá trị hợp đồng.

“Mặc dù chậm tiến độ, nhưng nhà thầu lại được ứng trước khối lượng thực hiện lớn tương đương với 87,4% giá trị hợp đồng (dư ứng 56,2 tỷ đồng). Hơn thế nữa lại sử dụng nguồn vốn ứng trước của Trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 để ứng trước khối lượng chưa thực hiện cho nhà thầu” – kết luận nêu rõ.

Một cán bộ thanh tra Bộ KHĐT nhấn mạnh rằng, chủ đầu tư là UBND tỉnh Nam Định đã vung tiền rất bừa bãi cho nhà thầu do đó bị “tuýt còi” không được cấp vốn tiếp, chứ không phải là các vướng mắc mang tính thủ tục hành chính.

“Việc chủ đầu tư ứng trước tới 87,4% giá trị hợp đồng khi nhà thầu còn chưa có khối lượng xây dựng chắc chắn sai. Ứng tiền rồi lại để nhà thầu “cù nhây” tiến độ mà cũng không biết làm thế nào lại càng sai. Chưa kể vốn Trái phiếu Chính phủ phải rất thận trọng vì liên quan đến lãi suất…” – vị này nói.

Nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định chỉ thiếu non vài tháng là tròn 10 năm kỉ niệm ngày khởi công. Tại lễ động thổ tháng 11/2007, chủ đầu tư và thà thầu khẳng định chắc nịch: Công trình trọng điểm này sẽ hoàn thành vào tháng 01/2011.

Trên bản đồ quy hoạch, dự án bệnh viện tọa lạc trên diện tích 9,3ha, được thiết kế hiện đại, quy mô lớn nhất cụm các tỉnh đồng bằng sông Hồng, bao gồm tổ hợp nhiều khu nhà cao tầng, có sân đỗ trực thăng trên nóc…

Thế nhưng đã gần 1 thập kỷ trôi qua, những gì hiện hữu là một công trường dang dở với ngổn ngang các khối nhà rêu mốc; bê tông vứt chỏng chơ; khung cột thép để lộ thiên hoen rỉ; ngập bủm giữa ao tù nước đọng; lau lách mọc lút đầu người… lác đác một vài công nhân chậm chạp xây xáo, tác phong uể oải, chán chường…

Có mặt tại khu vực này những ngày tháng 7/2017, ngoài cơ sở hạ tầng của toàn khu đô thị đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ, dự án bệnh viện sừng sững như một điểm nhấn đau lòng của sự hoang phí.

So với thời kỳ đỉnh điểm của quá trình bỏ mặc dãi nắng dầm mưa hồi 2013 - 2015, dự án có thay đổi đôi chút. Hệ thống cột tường rào đã được dựng lên, một vài công trình nhỏ phụ trợ cũng đã được ì ạch xây thêm…

Tuy nhiên, các khu chính yếu như Ngoại - Sản, Nội - Nhi và Điều trị ngoại trú - Hành chính - Nghiệp vụ kỹ thuật thì không thay đổi. Vẫn còn đó là các khối bê tông sừng sững nóng nực, thép chờ rỉ sét, tường gạch xỉn màu rêu phong…

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Khắc Đông - Phó trưởng Ban quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định cho biết, nguyên nhân lớn nhất của việc chậm tiến độ là bởi không có tiền.

Ông cũng tính toán theo thời giá hiện tại, có thể dự án đã “đội” thêm 60-70%, lên trên 1.300 tỷ đồng. “Ngân sách trung ương mới chỉ “rót” về khoảng 265 tỷ đồng và suốt từ năm 2012 đến nay, không thêm một đồng nào” – ông Đông cho biết.

"Siêu dự án" đứng trước nguy cơ "không hẹn ngày về đích".

Tại bản Báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của Ban quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định cho biết, ngoài lý do chính “đói” vốn, một nguyên nhân khác khiến UDIC chây ì tiến độ dù tài chính dồi dào là bởi việc thi công các hạng mục tại công trình có liên hệ với nhau.

Cụ thể, do nhà thầu còn lại là Vinaconex-504 trúng gói thầu BVH3 (Khoa Nội – Nhi) đã thi công vượt qua cả nguồn vốn được bố trí là 2,5 tỷ đồng nên buộc phải tạm dừng thi công.

Trong khi đó, gói BVH3 lại có quan hệ mật thiết với gói BVH2 (Khoa Ngoại – Sản) của UDIC nên việc Vinaconex-504 dừng thi công đã khiến UDIC không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Mặc dù khẳng định việc tiếp tục bố trí vốn là cần thiết song cũng theo ông Đông, đối với nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020, dự án trọng điểm này một lần nữa… “hụt” tiêu chuẩn.

Còn đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách TƯ thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020, UBND tỉnh Nam Định dự kiến phân bổ cho hai dự án y tế khác là Bệnh viện cổ truyền tỉnh (giai đoạn 2) và Trung tâm da liễu nên không thu xếp vốn cho bệnh viện 700 giường…

Điều này đồng nghĩa với việc tạm tính đến năm 2020, cơ hội về đích của công trình đầy kỳ vọng này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Tác giả: Cao Tuân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP