Theo đó, giai đoạn từ năm 2016-2018, ngành điện sẽ thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để cho đến năm 2018, các đơn vị này nắm từ 51% cổ phần các tổng công ty phát điện.
Trong vài năm tới, ngành điện sẽ chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường để có thể tham gia bán buôn điện cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà.
Trong khâu truyền tải điện, Chính phủ quyết định tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đáng chú ý ở khâu phân phối điện - bán lẻ điện, Đề án nêu rõ vẫn tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của các Tổng công ty Điện lực theo hình thức công ty TNHH MTV do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ, từng bước tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.
Từ năm 2019-2020, ngành điện phải tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước tại các tổng công ty phát điện xuống dưới mức chi phối và tách các tổng công ty phát điện ra khỏi các tập đoàn sau khi có đánh giá kết quả hoạt động sau 2 năm thực hiện cổ phần hóa.
Khi đó, các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT (nhà máy điện BOT) sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Các nhà máy điện chưa ký hợp đồng BOT sẽ giảm công suất, sản lượng bao tiêu và tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tiếp tục thực hiện chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện đồng thời quản lý số liệu đo đếm trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Về lâu dài, trung tâm này sẽ được chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN.
Tác giả bài viết: Kiều Vui
Nguồn tin: