Du lịch

Quán bán đặc sản "rồng đất", 30 năm khách xếp hàng tranh mua ở Hà Nội

Nằm đầu con phố Hàng Chiếu, suốt 30 năm qua, cứ tầm cuối thu, đầu đông, một cửa hàng bán món chả từ "rồng đất" vẫn luôn tỏa mùi thơm nức lòng thực khách giờ tan tầm.

Hà Nội tuy không phải là nơi có vùng thu hoạch rươi nhưng từ nhiều đời nay, chả rươi vẫn được xem là một đặc sản của mảnh đất này.

Người Hà Nội có nhiều cách chế biến món rươi khác nhau, nào kho măng khế, nào nấu canh cải cay, nào nướng lá lốt... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món chả rươi.

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 Âm lịch, vào giờ cuối chiều, nếu lang thang quanh các con phố cổ, không khó để thực khách bắt gặp mùi thơm đặc trưng, kích thích giác quan của chả rươi.

Khác hẳn với vẻ ngoài gây sợ, nhơn nhớt và mùi tanh không dễ chịu, sau khi chế biến, chả rươi lại mang hương vị quyến rũ, trở thành món ăn đầy tinh tế, cầu kì ở đất Hà thành.

Con rươi khi chưa qua chế biến có hình thù khiến người nhạy cảm dễ e sợ, mùi tanh tanh, không mấy dễ chịu.

Nhưng sau quá trình chế biến cầu kì, món rươi trở thành đặc sản nức lòng thực khách.

Một trong những quán chả rươi lâu năm, đắt khách nhất Hà Nội nằm ở ngay đầu con phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cạnh di tích lịch sử nổi tiếng Ô Quan Chưởng. Quán rươi này đã mở ngót nghét 30 năm nay.

Mùa rươi, cứ khi trời nhập nhoạng tối, quán lại tấp nập khách ra khách vào, có khi còn phải xếp hàng chờ đợi. Mà xếp hàng chờ đợi mua chả rươi thì chẳng dễ chịu gì khi mùi thơm nức cứ tỏa ra từ góc bếp nhỏ, khiến thực khách mong ngóng thưởng thức.

Chủ quán rươi này là chị Bùi Thị Nga. Chị nối nghiệp và giữ gìn công thức làm chả rươi gia truyền từ mẹ đẻ. Dù đã giao cửa hàng cho con gái, nhưng bà Nguyễn Thị Nhâm, năm nay 58 tuổi vẫn luôn đứng phía sau để hỗ trợ việc bán hàng.

Bà Nhâm cho biết: "Từ xưa, bố tôi đã hay làm chả rươi trong các bữa ăn của gia đình nhưng không mở bán.

Sau này, thấy mọi người thích ăn chả rươi, tôi đem công thức riêng từ bố để mở quán. Chả rươi nhà tôi có bí kíp gia truyền, khác hẳn mọi nơi, tạo nên hương vị riêng".

Bà Nhâm vẫn hỗ trợ con gái các công việc trong quán.

Nói về bí quyết níu chân khách hàng, khiến quán lúc nào cũng đông đúc, chị Nga cho hay: "Thực khách yêu mến cửa hàng bởi chả rươi nhà tôi làm hoàn toàn thủ công. Con rươi tươi. Hương vị thì chuẩn "Hà thành", vừa miệng. Khách đã ăn một lần thì sẽ quay lại lần hai, lần ba và thậm chí là gắn bó hàng chục năm".

Giờ tan tầm, chị Nga thoăn thoắt chiên chả mà vẫn không kịp.

Theo chia sẻ của bà Nhâm và chị Nga, món chả rươi được làm từ các gia vị chủ yếu là rươi, rau thì là, trứng, hành, vỏ quýt, thịt lợn, mì chính, tiêu. Trong đó, riêng phần vỏ quýt được xem là yếu tố tạo "điểm nhấn" cho món chả rươi của gia đình này.

Quýt được chọn kỹ lưỡng, mua về từ Lạng Sơn, là loại có mùi thơm dễ chịu. Cả gia đình sẽ tỉ mỉ bóc quýt lấy vỏ rồi sơ chế, bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần.

Toàn bộ nguyên liệu đều làm thủ công, không dùng máy xay.

Chị Nga tiết lộ về bí quyết chọn rươi: "Nhà mình chọn những con rươi có màu ngả đỏ, còn sống, bơi ngoe nguẩy. Nếu rươi đã chết, chúng sẽ trương lên, chuyển màu xanh, khi chế biến không còn ngon. Phần vỏ quýt giúp làm giảm đi mùi tanh nhưng cũng tạo nên hương vị ấn tượng cho chả rươi".

Rươi được chị chọn lựa kỹ lưỡng từ các vùng như Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ninh...

Quán của gia đình chị Nga phục vụ hai loại chả rươi, một loại là đánh tan rươi, một loại để nguyên con. Khi đánh tan, sữa rươi hòa quyện cùng các nguyên liệu sẽ tạo ra sự thơm ngon; còn nếu để nguyên, món chả lại có phần bùi bùi, béo ngậy hơn.

Để bán được chả rươi quanh năm, quán của chị Nga đã mua hàng tấn rươi sau đó cho vào nhà lạnh để bảo quản.

Hiện tại quán bán nhiều loại chả rươi giá dao động từ 15 - 70 nghìn/chiếc, có loại đặc biệt từ 170 - 220 nghìn/chiếc.

"Bây giờ tìm mua chả rươi không khó như xưa vì rươi được bảo quản lạnh, có quanh năm.

Nhưng ăn chả rươi vào tầm cuối thu, đầu đông, đúng chính vụ vẫn mang tới hương vị thơm ngon nhất. Cái thời tiết se se lạnh của Hà Nội càng khiến món ăn trở nên tròn vị", bà Hằng (70 tuổi, Hoàn Kiếm) - một vị khách quen của quán rươi này chia sẻ.

Chị Nga trực tiếp rán để đảm bảo bánh chả rươi không bị già hay non quá.

Chả rươi được rán qua một lần, khách gọi ăn hoặc mua về sẽ được rán lại cho nóng.

Thành phẩm là những miếng chả rươi thơm nức mũi, có hương vị bùi bùi, béo ngậy.

Quán đông nhất là vào giờ trưa hay chiều tối, khi người dân tan tầm.

Quán chủ yếu bán mang về, nhưng để phục vụ nhu cầu thực khách, chị Nga cũng bán tại chỗ món chả rươi ăn kèm bún và nước chấm chua ngọt. Nước chấm chả rươi cũng tuân thủ đúng truyền thống, là nước mắm mặn, chanh, ớt hài hòa.

Chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có vài năm mua chả rươi tại quán, dù phải "đi ngược" lên phố và vòng về nhà mất cả chục km.

"Mình ăn nhiều quán chả rươi khắp thành phố nhưng vẫn ưng nhất chả ở đây vì hương vị thơm ngon, béo ngậy, ngoài giòn, trong vẫn ẩm, mềm".

Chị Hương cũng cho hay, làm món chả rươi cầu kì, nhiều công đoạn nên chị quá bận rộn, không thể tự thực hiện. Việc tìm mua ở những quán truyền thống tiện lợi mà vẫn rất ngon.

Tác giả: Toàn Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP