Theo kết luận điều tra, ông Đoàn Nguyên Đức (SN 1963, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nói: Vào cuối năm 2014, trên cơ sở đề nghị của ông Trần Bắc Hà, ông Đức đón và chỉ đạo nhân viên tập đoàn dẫn đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, do ông Võ Kim Cự (Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn) và một số nhân viên dưới quyền đi thăm quan trang trại nuôi bò của tập đoàn tại tỉnh Gia Lai.
Đến đầu năm 2015, ông Hà gọi điện mời ông Đức ra Hà Tĩnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức để kêu gọi Tập đoàn HAGL đầu tư dự án chăn nuôi bò.
Cuộc họp do ông Võ Kim Cự chủ trì, có sự tham gia đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh. Đại diện BIDV có ông Trần Bắc Hà cùng một số lãnh đạo cao cấp của BIDV.
Ông Trần Bắc Hà |
Tại buổi làm việc tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đứng ra kêu gọi đầu tư dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh và BIDV. Ông Trần Bắc Hà đứng ra cam kết tài trợ dự án; ông Đức chỉ tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì.
Theo đề nghị của tỉnh ủy, UBND Hà Tĩnh và ông Hà, ông Đoàn Nguyên Đức tổ chức họp HĐQT của Tập đoàn để bàn và đánh giá việc tham gia đầu tư dự án trên.
Tuy nhiên, khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai... thấy địa bàn các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nơi Hà Tĩnh kêu gọi đều tư không đủ điều kiện để chăn nuôi bò giống, bò thịt và trồng cỏ để nuôi bò nên HAGL quyết định không tham gia đầu tư.
Nhưng do Tập đoàn là khách hàng vay vốn tại BIDV, phụ thuộc vào ông Trần Bắc Hà nên ông Đoàn Nguyên Đức không thể trả lời ông Hà là không tham gia đầu tư vào dự án do Hà Tĩnh không đủ điều kiện để đầu tư.
Sau đó, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý. Ông Đức giới thiệu ông Đinh Văn Dũng, một nhân viên cũ của Tập đoàn HAGL. Theo lời khai của ông Đoàn Nguyên Đức, ông chỉ giới thiệu, còn 2 bên làm việc, thực hiện dự án ra sao, ông không tham gia.
Sau khi công ty Bình Hà được thành lập để thực hiện dự án nuôi bò giống, bò thịt, do không có giấy phép nhập bò và không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu bò, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng đặt vấn đề với ông Đức nhờ Tập đoàn HAGL hỗ trợ việc nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu.
Ông Đức đã chỉ đạo cấp dưới thông qua 2 công ty con của Tập đoàn đứng ra nhập khẩu bò giúp công ty Bình Hà trong giai đoạn đầu.
Sau này, công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với 2 công ty trên của tập đoàn nhưng cụ thể mua bán thế nào do 2 công ty trực tiếp làm, ông Đức không biết và không tham gia.
Dư nợ hơn 1.459 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, ngay từ thời điểm 3/2015, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh, đề nghị được cấp đất và được áp dụng chính sách ưu đãi cho Liên danh giữa công ty “sân sau” của ông Hà (dưới sự bảo trợ vốn của BIDV).
Tháng 4/2015, ông Hà dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty “sân sau” là công ty Bình Hà và lập dự án nuôi bò để xin vay vốn tại BIDV nhằm thực hiện dự án.
Trong khi công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc DN chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để cấp tín dụng; hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả... nhưng ông Hà vẫn phê duyệt cấp tín dụng giải ngân cho vay 2.687 tỷ đồng với các điều kiện ưu đãi.
Theo kết luận điều tra, tổng dư nợ đến thời điểm khởi tố vụ án (11/2018) của công ty Bình Hà là hơn 1.459 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, BIDV đã nỗ lực phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi thêm hơn 207 tỷ đồng nên tổng dư nợ gốc của công ty Bình Hà chỉ còn hơn 1.252 tỷ đồng.
BIDV đã tìm kiếm được đối tác, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai để khai thác, chuyển đổi dự án, trên cơ sở đó đảm nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho BIDV.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net