Sẽ có nhiều máy thở, bác sỹ trên máy bay
Những ngày này, mọi nhân lực của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) ráo riết chuẩn bị cho chuyến bay có thể đi vào lịch sử này. Việc xin phép bay tới một nơi xa lạ là cả vấn đề nan giải. Chưa kể, cơ sở hạ tầng nước sở tại cũng là rào cản không nhỏ.
Hơn 200 hành khách, dự báo có thể đến trăm người có biểu hiện sốt, ho... Do đó, chuyến bay phải đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm giữa các hành khách với nhau; giữa hành khách với tổ bay...
|
Được biết, các bên đã đưa ra nhiều phương án khác nhau để tính toán, tiên lượng các tình huống có thể xảy ra trên chuyến bay để có giải pháp chuẩn bị. Theo đó, chuyến bay sẽ được bố trí các bác sĩ đi cùng; dự kiến mang theo nhiều trang thiết bị y tế cần thiết, như máy trợ thở, bình ôxy. Ngoài ra, sức khoẻ của người lao động cũng phải kiểm tra kỹ càng, vì chuyến bay trong thời gian dài và có thể bay thẳng.
Đây là chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm cao, với mật độ vi rút có thể lớn. Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên khoang khách, máy bay có thể được căng rèm để chia thành các khu vực khác nhau. Phi công, tiếp viên cũng được lựa chọn kỹ càng, với nhiều tiêu chí. Được biết, dù biết chuyến bay có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng có nhiều tiếp viên đã xung phong lên đường. Và nhân sự phục vụ chuyến bay sẽ được lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, ưu tiên nam, không có vướng bận về gia đình, con cái…
Khi PV Tiền Phong hỏi một lãnh đạo VNA, giả sử chuyến bay có trên 100 người nhiễm bệnh thì sao? Vị này nói ngay rằng: Đây là “mệnh lệnh”” từ trái tim và VNA đã có nhiều kinh nghiệm vận chuyển đồng bào từ vùng chiến sự tới vùng dịch bệnh (như Vũ Hán) về nước, cộng với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ tới các bộ ban ngành liên quan. Theo đó, VNA tự tin trước nhiệm vụ này.
“Những lãnh đạo 0 đồng”
Cơ sở hạ tầng nước sở tại còn hạn chế, sân bay gần với công trường người lao động Việt Nam đang làm đang gặp khó khăn về tiếp nhiên liệu máy bay. Trong khi đó, sân bay đảm bảo về nhiên liệu lại nằm xa công trường, nằm trên đảo, nên công nhân có thể phải đi tàu, hoặc bay nội địa để tới sân bay.
Trên suốt hành trình, phương án có thể là bay thẳng, hoặc 1 điểm dừng để tiếp nhiên liệu. Đội ngũ của VNA cũng phải tính toán các phương án trong một số tình huống khẩn cấp khác.
Ít ai biết, dù công việc căng thẳng, nhiều áp lực, nhưng từ nhiều tháng nay, VNA xuất hiện “những lãnh đạo 0 đồng”. Từ cấp trưởng phó, ban nơi đây trở lên, nhiều người hàng tháng đồng ý nhận mức tối thiểu hoặc 0 đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 219 lao động Việt Nam đi theo diện nhà thầu Việt Nam làm việc tại nhà máy thủy điện ở nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo. Những lao động Việt Nam này làm việc cho 3 nhà thầu, gồm: Cty Lilama 10 (49 người), Cty CM Vietnam (164 người), Cty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tân Đại Lợi (6 người). Các nhà thầu thi công trên công trường Nhà máy thủy điện Sendje (tỉnh Littorial), theo hợp đồng với Tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh).
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Lắp máy Việt Nam - Lilama (công ty mẹ của nhà thầu Lilama 10) cho biết, các công nhân Việt Nam bị lây nhiễm COVID-19 (qua chuyên gia người Ukraina hướng dẫn lắp đặt thiết bị tại công trường). Hiện, những lao động Việt Nam mắc COVID-19 đều có sức khỏe tương đối ổn, không còn sốt, đã được cách ly chữa trị tại cơ sở y tế theo quy định nước sở tại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 14/7, Bộ GTVT đã có văn bản giao VNA nghiên cứu xây dựng phương án đường bay kết nối với Guinea Xích đạo. Cùng với đó, hãng phải phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Ngoại Giao, LĐ-TB&XH, Y tế và các nhà thầu Việt Nam để xây dựng kế hoạch thực hiện chuyến bay đón công dân về nước. |
Tác giả: ĐỨC NAM - BỐN VIỆT
Nguồn tin: Báo Tiền Phong