Tại hội thảo sức khoẻ tâm thần về giới tính, tình dục và sinh sản mới tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày Viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với 3 năm trước đây. Trong đó, không ít bệnh nhân nữ đến khám do rối loạn tình dục.
Như trường hợp của chị H.T.L., 28 tuổi ở Hà Nội đến Viện khám do lãnh cảm với chồng. Chị L. chia sẻ, đã kết hôn được 2 năm, được chồng yêu chiều, nhà chồng thương quý, công việc ổn định, cuộc sống không có gì căng thẳng nhưng chị không tha thiết gần gũi với chồng, thậm chí chị rất sợ mỗi khi chồng... tắt đèn đi ngủ.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn |
Yêu vợ, chồng chị L. đã cố gắng thay đổi bản thân, đưa vợ đi khám nhiều chuyên khoa sức khoẻ sinh sản nhưng kết quả đều hoàn toàn bình thường.
Tại BV Bạch Mai, các xét nghiệm gene, nội tiết, tâm thần... cũng không phát hiện bất thường. Tuy nhiên khi khai thác kĩ, chị L. cho biết, lúc còn nhỏ từng bị lạm dụng tình dục nên ám ảnh, sợ quan hệ. Bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn chức năng tình dục.
PGS Tuấn cho biết, sau 2-3 năm kết hợp nhiều liệu pháp điều trị, từ thay đổi nhận thức, hành vi đến dùng thuốc, đến nay, chị đã có cuộc sống vui vẻ trở lại và có đời sống tình dục bình thường.
Một trường hợp khác vừa đến Viện khám vào tuần trước là nữ bệnh nhân 48 tuổi, đang đứng trước ngã rẽ mới sau 2 lần kết hôn.
Bệnh nhân có ngoại hình xinh xắn, từng kết hôn lần 1 vì yêu nhưng vì bản thân chị không có ham muốn tình dục nên hôn nhân đứt gánh sau 20 năm chung sống.
1 năm sau, chị tái hôn với người chồng hiện tại. Dù mới cưới nhưng đời sống tình dục của chị với chồng vô cùng lạnh nhạt, chị luôn muốn chạy trốn khỏi phòng ngủ mỗi khi chồng chủ động gần gũi. Sợ chồng buồn, nhiều lần chị gượng ép cho xong.
Lo sợ nếu tiếp tục kéo dài, cuộc hôn nhân thứ 2 sẽ khó níu kéo nên vợ chồng chị đến Viện Sức khoẻ tâm thần thăm khám.
Cũng tương tự như chị L., nữ bệnh nhân 48 tuổi được chẩn đoán bị rối loạn chức năng tình dục, phải nhập viện điều trị.
BS khuyến cáo, khi vợ chồng bị rối loạn tình dục, nếu đi khám bệnh lý không phát hiện nguyên nhân, cần đi khám sức khoẻ tâm thần |
Theo PGS Tuấn, những trường hợp như 2 bệnh nhân nói trên trong thực tế không hiếm, nhưng phần vì không biết mình mắc bệnh, nghĩ là các bệnh thực thể, đi khám vòng vèo nhiều chuyên khoa, phần e ngại đi khám, âm thầm chịu đựng. Trong khi các nghiên cứu đã chỉ ra, có khoảng 10% bệnh nhân nữ từ tuổi 20 đã có rối loạn sức khỏe tình dục.
Theo bảng phân loại thống kê quốc tế mới nhất về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, rối loạn chức năng tình dục là tình trạng bệnh nhân không thể tham gia vào mối quan hệ tình dục như mong muốn.
Các biểu hiện bao gồm thiếu quan tâm, thiếu thích thú, thất bại trong đáp ứng sinh lý cần thiết cho mối quan hệ tình dục có hiệu quả hoặc không có khả năng cảm nhận cực khoái.
Nguyên nhân thường do phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân, gia đình, sự nghiệp, tài chính... khiến họ căng thẳng, mất tập trung, giảm ham muốn tình dục.
Đáng lưu ý, có rất nhiều nữ bệnh nhân bị lãnh cảm do từng bị lạm dụng khi còn nhỏ. Nghiên cứu mới nhất năm 2018 của Sophie đăng trên tạp chí Lancet cho thấy, 88% trẻ gái thanh thiếu niên có nguy cơ trầm cảm sau khi bị tấn công tình dục; 71% ca có nguy cơ lo âu; 91% có nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn sau 4-5 tháng; 80% được chẩn đoán một loại rối loạn tâm thần.
Để điều trị các rối loạn tình dục, phương pháp chính là sử dụng liệu pháp tâm lý hành vi. Bác sĩ sẽ tìm hiểu, đánh giá, tìm hiểu tỉ mỉ tâm lý bệnh nhân trước khi áp dụng phác đồ.
Một số thuốc có thể phối hợp cùng với liệu pháp tâm lý hành vi để điều chỉnh hành vi tình dục như các thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ thần kinh, thuốc giải lo âu và các thuốc trị liệu tâm thần kinh khác…
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet