Thuế VAT (loại thuế đánh vào hàng hóa) có nguy cơ tăng thêm vài phần trăm sau đề xuất của Bộ Tài chính. |
Tờ mờ sáng, trong cơn mưa xối xả do hoàn lưu bão sau khi càn quét qua xóm nghèo, người đàn ông trở về nhà với quần áo ướt sũng. Mưa to, nước chảy xiết nên hôm nay chỉ đánh được mớ tép, anh giục chị vợ dậy mang ra chợ bán mua mấy gói mì cho lũ trẻ sắp dậy. Cả xóm nghèo này quanh năm suốt tháng sống nhờ…trời!
Người Việt có giàu không? Chỉ số GDP phần nào cho thấy câu trả lời. Nhưng về độ chịu chơi hiếm nước nào bằng. Những chiếc siêu xe đắt nhất, những chiếc đồng hồ đắt nhất, những chiếc túi xách đắt nhất hành tinh đều có thể tìm thấy ở Việt Nam. Có dịp, cô người mẫu đồ lót nọ đã bị báo chí đặt tội thiếu lòng tự trọng khi mang trên mình những phụ kiện trị giá hàng tỉ đồng…
Người Việt ta giàu không? Rõ ràng là có! Nhưng số ấy chẳng là bao, khoảng cách từ chén cơm thiu của em bé vùng cao đến cái túi xách tiền tỷ của cô người mẫu nội y kia là cả một chặng đường mà nhiều thế hệ đã vô tình tạo ra, để bây giờ nhìn lại đã quá xa.
Người Việt còn khổ không? Chắc chắn là còn nhiều, có vị chuyên gia nào đó tiên đoán trong dân còn 20 tấn vàng và hàng chục tỷ đô la. Đúng không? Quả không sai nhưng số ấy chỉ chiếm vài phần trăm. Cho nên “huy động vàng trong dân” là cụm từ xác định quá rộng, mà phải là “huy động vàng trong tầng lớp thượng lưu”.
Hôm 18/8, tại Khánh Hòa, 6 mạng người ra đi oan uổng vì cưa bom lấy thuốc nổ. Chẳng có ngôn từ nào tả nổi sự mất mát thương đau. Cả xóm làng bỗng chốc lịm xuống tang thương.
Chung quy lại là vì cái gì? Cũng tại miếng cơm manh áo cả thôi, cũng tại cái nghèo, cái khổ chứ chẳng ai gàn dở đến mức đang nệm ấm chăn êm lại mang bom về cưa bán lấy tiền…
Những cái chết vì phế liệu chiến tranh không đâu nhiều bằng Quảng Trị, địa bàn ác liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không năm nào không có người chết vì đạn bom. Chung quy lại do đâu? Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi.
Chắc nhiều người còn nhớ sự việc đau lòng xảy ra hồi năm ngoái tại Sơn La, bố bị bệnh chết tại bệnh viện Lao phổi, con bó xác trong chiếu lác buộc sau xe máy chở về vì không có tiền thuê ôtô. Hình ảnh tột cùng của sự khốn khó này đã chạm đến lòng trắc ẩn của hàng triệu người. Cũng chỉ vì cái nghèo, cái khổ.
Không hẳn nhiên mà làn sóng phản đối BOT trào dâng như hiện nay, nhất là tại Cai Lậy, Tiền Giang. Khi người dân cảm nhận được công cuộc mưu sinh ngày càng khốn khó, thuế phí hàng trăm loại bủa vây thì tiếng nói phản đối cũng là dễ hiểu. Đó là chưa kể trạm BOT dày đặc dọc Quốc lộ, chất lượng công trình không như mong muốn của người dân. Sự tận thu này trực tiếp đánh vào túi tiền ngày càng khó kiếm…
Rồi đây, thuế VAT (loại thuế đánh vào hàng hóa) có nguy cơ tăng thêm vài phần trăm sau đề xuất của Bộ Tài chính. Không ai khác ngoài mấy chục triệu người nghèo phải gánh chịu tác động nặng nề nhất và công cuộc mưu sinh ngày một khó khăn hơn.
Miền Trung, mỗi năm hơn chục cơn bão, lũ lụt liên miên năm này qua tháng nọ, cứ sau mỗi lần như vậy bao nhiêu của cải tích góp khó nhọc bị cuốn trôi. Những người trẻ đổ vào Nam mưu sinh lập nghiệp, thử hỏi vàng và đôla ở đâu ra để huy động?
Thuế phí, BOT bủa vây sẽ khiến cho dân chúng chật vật hơn trong công cuộc mưu sinh. Bài học từ lịch sử cho thấy dân có giàu thì nước mới mạnh. Vậy phải làm sao để dân giàu?
Tác giả: Trương Khắc Trà
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp