Kinh tế

Ông Phạm Văn Tam: Từ vị Shark nổi tiếng đến loạt tai tiếng với Asanzo

Ông Phạm Văn Tam, sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi học xong THPT, ông không tiếp tục con đường học vấn đại học mà bươn chải với nhiều nghề như chụp ảnh, bưng phở, và buôn linh kiện.

Chân dung ông Phạm Văn Tam

Trên báo chí, ông Tam từng chia sẻ: “Ở quê tôi, mọi người chọn sản xuất, buôn bán để làm giàu, chẳng mấy ai vào đại học và chọn con đường sự nghiệp công danh. Tôi học cách kiếm tiền từ những ngày còn nhỏ. Cũng như những bạn bè đồng trang lứa trong vùng, tôi không mặn mà với việc vào đại học”.

Chân dung ông Phạm Văn Tam

Bén duyên với tivi từ năm 11 tuổi, niềm đam mê máy móc đã thôi thúc ông Tam bước chân vào ngành điện tử. Cuối năm 2013, ông nhận thấy các thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, nên quyết định thành lập Asanzo, với mục tiêu sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21 đến 32 inch, nhắm đến khách hàng ở nông thôn. Chỉ sau một năm, Asanzo đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi, và đến năm 2015, con số này đã tăng gấp ba lần.

Năm 2016, lượng tivi bán ra của Asanzo đã lên tới 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Với hơn 70 dòng sản phẩm, Asanzo lọt vào Top 3 thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.

Cuối năm 2020, ông Tam thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan với số vốn dự kiến lên đến 1.000 tỷ đồng. Winsan hoạt động dưới mô hình tài chính dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được ông Tam ấp ủ từ năm 2017. Khi mới thành lập, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng do ông chủ Asanzo góp 95% vốn, còn lại bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng. Và ông Tam chính là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian truyền thông mạnh mẽ trên khắp các kênh, thì đến nay trang web của công ty tài chính này không hề có dấu hiệu hoạt động. Những tin tức mới nhất được đăng tải trên trang chủ của Winsan là vào tháng 12/2021 về việc cảnh báo lừa đảo. Và người đại diện pháp luật không còn là ông Tam mà được thay thế bởi ông Phùng Đông Hưng.

Đến năm 2021, ông Phạm Văn Tam tuyên bố cùng một nhóm nhà đầu tư thực hiện dự án 5 trang trại nuôi bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An, với quy mô vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ông còn cho ra mắt sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò được sản xuất từ quy trình khép kín và rất tự tin vào dự án này. Vị doanh nhân này chia sẻ lý do bước chân sang mảng nông nghiệp vì khách hàng chủ yếu của Asanzo là người nông dân, nên ông muốn đồng hành cùng bà con để giúp kiếm họ kiếm tiền.

Nhưng chỉ trong vài ngày sau, nhà sản xuất thương hiệu phân bón này bất ngờ khẳng định ông Tam hoàn toàn không đầu tư vào bất kỳ trang trại nào. Theo đơn vị sản xuất chia sẻ, ông chủ của Asanzo chỉ mua bao tiêu và phân phối độc quyền sản phẩm Ba Con Bò. Kể từ đó đến nay, không còn thấy ông Tam đề cập gì đến sản phẩm này nữa.

Loạt lùm xùm của Asanzo

Ông Tam từng có mặt trong Chương trình Shark Tank mùa 3, tuy nhiên Shark Tam dính tai tiếng liên quan tới nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì thể, Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank sau đó đã phát thông báo thay đổi Hội đồng Đầu tư cho mùa thứ 3. Ông Phạm Văn Tam không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời của mùa 3.

Năm 2019, Công ty Asanzo đã dính lùm xùm khi bị tố nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi có xuất xứ tại Việt Nam, đồng thời lập nên các công ty "ma", không có thật, để nhập hàng Asanzo từ Trung Quốc sau đó bí mật đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, Asanzo cho công nhân gỡ tem "made in China" trên sản phẩm rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" trước khi tung ra thị trường. Có hẳn một quy trình ráp màn hình ti vi tại nhà máy Asanzo mà công nhân phải tuân theo việc bỏ tem "made in China".

Sau đó, Asanzo dính lùm xùm với Sharp Việt Nam. Tới cuối tháng 11/2019, Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo.

Theo đó, Sharp Việt Nam cho biết hồi giữa tháng 9/2019, Asanzo công bố trước công chúng về việc Asanzo sở hữu công nghệ Nhật Bản như và việc Asanzo khi đó đang có quan hệ hợp tác với Sharp Roxy (Hong Kong - SHR)… là không chính xác.

Hồi cuối tháng 10/2019, Tổng cục Hải Quan ban đầu xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối người tiêu dùng", quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo. Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công, cho nên việc sử dụng cụm từ "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" không đúng với thực tế... Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.

Công ty Asanzo có mã số doanh nghiệp 0314074316, được thành lập và hoạt động từ 20/10/2016 với tên gọi là Công ty CP Tập đoàn Asan, sau đó đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo (ti vi, máy điều hòa không khí, máy làm mát không khí, ấm siêu tốc, nồi cơm điện, bếp hồng ngoại, máy xay sinh tố…).

Tại thời điểm tháng 6/2017, Asanzo có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Văn Tam góp 90%, còn lại CTCP Điện tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, Phạm Thị The, Phạm Văn Toàn và Phạm Xuân Tình mỗi người góp 2%.

Trước đó, Thị trường và Tài chính đã thông tin, ngày 23/6, ông Tam, 44 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo; và Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo) bị Công an TP HCM khởi tố, cho tại ngoại, điều tra về hành vi Trốn thuế.

Cơ quan điều tra xác định, ông Tam đã chỉ đạo Tình ký các Hợp đồng nguyên tắc với các Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, An Thiên, và Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn nhưng không xuất hóa đơn và để ngoài số sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng.

Tiếp đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Hành vi này bị cáo buộc "nhằm mục đích trốn tiền thuế phải nộp" là hơn 15,7 tỷ đồng.

Hồi tháng 10/2019, Cục Thuế TP HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng đối với Công ty Asanzo. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng (gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho công an điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ngoài ra, Asanzo cũng bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng. Trong đó gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 14,7 tỷ đồng.

Tác giả: Nhị Hà

Nguồn tin: thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP