Kinh tế

Nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện với tên mới

Trong phiên họp ĐHĐCĐ năm nay, điều gây bất ngờ là danh xưng của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được đổi thành Tiến sĩ Maya Dangales.

Cuối tuần trước, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021.

Bên cạnh những nội dung được thảo luận, thông qua tại phiên họp này, nhà đầu tư cũng như cổ đông Tân Tạo tiếp tục dành sự quan tâm lớn đến sự xuất hiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tân Tạo.

Sau 7 năm liền "mất tích" tại các phiên họp ĐHĐCĐ của Tân Tạo thì từ năm ngoái, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã trở lại điều hành đại hội thông qua phương thức họp trực tuyến.

Tuy nhiên, trong phiên họp năm nay, điều gây bất ngờ là danh xưng của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã thay đổi. Cụ thể, chức vụ Chủ tịch HĐQT Tân Tạo được thay thế bằng một cái tên rất lạ lẫm: Tiến sĩ Maya Dangales.

Hình ảnh bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangales) tại phiên họp ĐHĐCĐ Tân Tạo năm 2021 (ảnh: ITA).

Hình ảnh bà Đặng Thị Hoàng Yến tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của Tân Tạo năm 2020.

Theo ghi nhận tại biên bản của phiên họp này được Tân Tạo công bố hôm nay (27/4), bà Đặng Thị Hoàng Yến đã trả lời chi tiết những câu hỏi, thắc mắc của cổ đông.

Một cổ đông đặt vấn đề về những bước đi của Tân Tạo để đón đầu cơ hội Việt Nam được đánh giá là tiềm năng đón làn sóng chuyển dịch hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Trung Quốc hậu Covid-19 và tránh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

Bà Yến cho hay doanh nghiệp đã thúc đẩy tất cả các mối quan hệ để thu hút và chào đón các nhà đầu tư, như từ trước đến nay và đã "làm rất tốt". Năm nay, Tân Tạo tập trung làm cơ sở hạ tầng và đã hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án Sài Gòn Mê Kông để chuẩn bị thêm quỹ đất cho sự phát triển của tập đoàn trong thời gian tới.

Còn việc đón các nhà đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, theo ghi nhận của Chủ tịch Tân Tạo, Ban lãnh đạo đã làm khá tốt. Điều cần làm hiện nay là tiếp tục hoàn thiện một cách nhanh chóng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, tiện ích để giữ chân nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới.

"Hiện nay, xu thế phát triển của Tân Tạo đang rất tốt vì chúng ta có sự tin cậy nên các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ và ngay cả các công ty Việt Nam rất muốn hợp tác và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp" - bà Yến nói.

Về dự án Sài Gòn - Mekong, bà Yến cho biết, dự án này có diện tích khoảng 200ha, so với các dự án trước của Tân Tạo thì nguồn vốn hoàn toàn không đáng kể. Dự án này là kế hoạch đầu tư dài hạn mà Ban lãnh đạo đề ra từ những ngày đầu thành lập năm 1993 cho đến nay.

Đáp lại thắc mắc của cổ đông về nguồn vốn cho Sài Gòn - Mekong, bà Yến nói, Tân Tạo sẽ sử dụng lợi nhuận của các dự án khác để đầu tư cho dự án này. Mô hình của Tân Tạo ban đầu là chỉ sử dụng 30% vốn, sau đó sẽ huy động vốn của các nhà đầu tư bên ngoài, nếu không đủ thì có thể vay thêm nhưng tỉ lệ này không đáng kể. Đồng thời, theo bà Yến, kết quả kinh doanh quý 1/2021 của Tân Tạo khá khả quan.

Hiện nay, dự án Khu công nghiệp dược phẩm dù chưa được xây dựng hạ tầng và đang xin giấy phép, song theo bà Yến, dự án này đã có khách hàng đặt mua 50%, đã có thể trả hết nợ gốc, lãi và thu hồi vốn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA đóng cửa phiên 27/4 với mức giảm nhẹ 0,14% sau khi đã giảm sàn trong phiên 26/4. Chỉ trong 1 tuần giao dịch, ITA ghi nhận mức thiệt hại 11,39%.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP