Xã hội

"Nỗi buồn" dòng Lam Giang: Thủy điện "hút cạn" sông

Sông Lam bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy vào lãnh thổ nước ta qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tình với chiều dài trên dưới 400km. Từ bao đời nay dòng sông đã bồi đắp nên nhiều làng mạc trù phú, có lẽ vì thế mà bấy lâu nay hai chữ “Sông Lam” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ như một phần máu thịt không thể tách rời. Tiếc thay, mấy năm gần đây dòng sông đang chết dần, chết mòn bởi chính sự thờ ơ, vô cảm và tàn nhẫn của con người.

Trong mấy năm trở lại đây, hàng loạt dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Lam (chủ yếu là các dòng hợp lưu) mọc lên như nấm sau mưa. Việc quy hoạch xây dựng quá nhiều dự án thủy điện đang trở thành một gánh nặng không nhỏ về môi trường trong tương lai. Đây là thực trạng hiện hữu mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy được…

Hàng loạt dự án thủy điện “tấn công” sông Nghệ

Theo báo cáo của Phòng Quản lý Năng lượng - Sở Công thương tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh này hiện có 33 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 1.400 MW đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Không thể phủ nhận các dự án thủy điện này đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng các dự án thủy điện cũng như công tác quản lý, quy hoạch chưa thật sự khoa học, chưa sát với thực tế đã để lại những hệ lụy, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân và môi trường sinh thái.

11
Nhà máy thủy diện Nậm Mô tại sông Nậm Mộ (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn)

Được biết, trước đây, theo quy hoạch được Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất gần 1.700 MW, trong đó có 8 dự án quy hoạch tiềm năng và 1 dự án thủy điện Bản Cánh được xây dựng từ trước khi tiến hành quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do như chưa phù hợp, chưa hiệu quả; không có tính khả thi; triển khai chậm; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.
22
Nước sông Nậm Mộ cạn trơ đáy bởi chỉ 1km sông có tới 3 nhà máy thủy điện

Trong số 33 dự án thủy điện tại địa phương hiện nay có 24 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư gần 25.000 tỉ đồng và đã được triển khai xây dựng.

Hiện nay, 24 dự án này đã và đang tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (nhưng hiện có 02 dự án đang tạm dừng triển khai là dự án Thủy điện Ca Lôi ở Kỳ Sơn và Thủy điện Xốp Cốc ở Tương Dương), di dân tái định cư với diện tích đất thu hồi thực hiện các dự án là 8.310,4 ha (trong đó, đặc biệt phải kể đến là đất rừng, lâm nghiệp chiếm tới 5.687 ha; đất sản xuất 1.733,3 ha, còn lại đất khác).

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 11 hồ đập thủy điện được cấp phép với dung tích gần 2,57 tỉ m3, lượng nước trong hồ thường đạt khoảng 60%. Mặc dù các hồ đập đều có quy trình vận hành hồ chứa cụ thể, tuy nhiên các nhà máy thủy điện mới chỉ quan tâm chủ yếu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

33
Quá nhiều thủy điện khiến sông bị mất dòng chảy tự nhiên

Sông cạn trơ đáy!

Huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án (07 dự án đang xây dựng), Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 02 dự án. Đặc biệt, trên 1km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (một hợp lưu lớn của sông Lam) có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư – Một con số quá… “khủng khiếp”. Đó là các nhà máy thủy điện Nậm Cắn, thủy điện Nậm Mô và thủy điện Bản Cánh với tổng công suất 38Mw.

Việc một con sông có lưu lượng dòng chảy trung bình như sông Nậm Mộ nhưng “gánh” hàng loạt dự án thủy điện như trên khiến cho con sông lúc nào cũng ở trong tình trạng “đói” nước. Đứng trên cao nhìn những cồn cát, đá sỏi chiếm lĩnh toàn dòng sông trước đây vốn hiền hòa, xanh biếc khiến cho ai từng chứng kiến cảnh này không khỏi cảm thấy xót xa, tiếc nuối.

“Trước đây sông chảy hiền hòa, xanh biếc là vậy nhưng từ khi có dự án thủy điện thì sông Nậm Mộ dường như đã “chết”. Lượng nước chảy về đã bị các nhà máy thủy điện giữ lại gần như hoàn toàn khiến cho dòng sông quanh năm khô cạn, tôm cá chẳng còn môi trường để sống. Vì thế, cả một hệ sinh thái ở sông Nậm Mộ dường như đã biến mất lúc nào không hay…” – Một người dân ở Bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, xót xa.

44
Nhà máy thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) đang gấp rút hoàn thành trên sông Lam

Dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ. Cụ thể, đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 3 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ở xã Lượng Minh công suất 20MW.

Khi Nhà máy thủy điện Bản Vẽ mọc lên, gần 3.000 hộ dân phải di dời, mất gần 5.500 ha diện tích đất, nhấn chìm địa bàn 6 xã dưới lòng hồ thủy điện. Trong số diện tích bị thủy điện nói trên “nuốt”, phần nhiều là đất rừng và lâm nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với thảm thực vật giữ nước cho hạ nguồn đã không còn tồn tại.

Được biết, trong một lần tiếp xúc cử tri tại huyện miền núi Con Cuông, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phải thốt lên rằng: Có nơi chỉ 1km đường sông thôi nhưng có đến 2-3 dự án thủy điện. Thủy điện là hướng đi đúng, nhưng quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy như mất đất, mất rừng, lũ ống, lũ quét và tái định cư cho người dân…”.

Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn đã gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gia tăng tác hại của hạn hán, lũ lụt. Bởi xây dựng nhà máy thủy điện đi cùng với việc xây dựng các hồ đập để tích nước, dẫn đến mất rừng, mất đất sản xuất; phù sa bị giữ lại tại lòng hồ tạo nên “dòng nước trong” đổ về hạ lưu, là tác nhân gây ra xói lở lòng sông, bờ sông. Vào mùa khô, thuỷ điện tích nước dẫn đến lưu lượng nước ở các sông, suối thấp, người dân vùng hạ lưu thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; ngược lại, mùa mưa thì xả lũ gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở.

55
Dòng chảy sông Lam phía dưới thủy điện Chi Khê

Đơn cử như ngày 6/5/2016, mực nước tại hồ tích nước Nhà máy thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) bỗng dưng dâng lên bất thường khiến trên 8,6 ha lúa, hoa màu tại xã Cam Lâm bị thiệt hại, một cụ bà bị chết đuối. Người dân huyện Con Cuông cho rằng, việc Nhà máy thủy điện Chi khê tích nước không thông báo đã gây thiệt hại lớn cho người dân do không biết để có sự chuẩn bị. Hay như tháng 8/2011, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cũng tích nước đột ngột khiến nhiều hộ dân ở bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương bị ngập sâu trong nước nhiều ngày. Trong khi đó, nguồn nước ở hạ du lại bị cạn trơ đáy do thủy điện đã… “uống” hết.

Rõ ràng, những hiệu quả đem lại từ các dự án thủy điện là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hệ lụy từ những dự án này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Ông Nguyễn Hữu Nhung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, co biết: “Về cái lợi của các dự án thủy điện thì đã rõ. Nhưng cái chưa được cũng cần phải lưu ý. Vấn đề là phải hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và quan trọng nhất là người dân. Anh phải làm đúng, làm đủ theo quy trình vận hành đã được phê duyệt và có sự giám sát của cơ quan chức năng lẫn người dân”. Cũng theo ông Nhung thì một số nhà máy thủy điện ở sông Nậm Mộ như Nhà máy thủy điện Nậm Mô quá trình tích nước khiến dòng sông bị cạn, thậm chí cạn quá mức như phản ánh là sai nguyên tắc vận hành. Đáng lẽ quá trình vận hành phải đảm bảo liên tục về dòng chảy cơ bản của dòng sông nhưng đơn vị nói trên tích nước buổi ngày và đến đêm mới xả dần khiến cho dòng sông Nậm Mộ bị “chết”.

Còn ông Nguyễn Văn Lượng – Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ thì cho biết: “Các dự án thủy điện ở thượng nguồn và các nhánh hợp lưu của sông Lam rõ ràng có ảnh hưởng không nhỏ đến lưu lượng nước trên sông. Bởi nó không còn là dòng chảy tự nhiên nữa, hơn nữa biên độ giao động lượng nước xuống hạ du chắc chắn là giao động lớn”.

Cũng theo ông Lượng, một số nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Khe Bố không tiến hành báo cáo số liệu về Đài theo quy định vận hành liên hồ chứa nên cũng gây không ít khó khăn trong quan trắc thủy văn của Đài.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An, cho biết thêm: “Rõ ràng thủy điện sẽ có ảnh hưởng đến nhiều thứ, đặc biệt là mảng nông nghiệp của chúng tôi. Cụ thể là dự án thủy điện làm ngập rừng, ngập đất sản xuất. Khi di dân tái định cư thì lại mất thêm rừng nữa để xây nhà cho dân, giao đất sản xuất cho dân. Tức là thành mất đất rừng và rừng tới 2 lần. Ngoài ra trước đây việc tích nước và xử nước cũng bất cập như khi hạn hán muốn xả thì họ không xả, lũ lụt muốn họ điều tiết lũ thì họ lại xả gây thêm lũ. Nhưng mấy năm gần đây quy trình vận hành đã ổn hơn”.

Việc quy hoạch xây dựng thủy điện ồ ạt trên thượng nguồn ngoài những điểm sáng thì “mảng tối” cũng không phải là ít. Vì thế, các cấp, ngành cần khảo sát, đánh giá toàn diện các dự án thuỷ điện trên địa bàn, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch, quản lý các dự án thủy điện; đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định trong xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện. Có như thế, những công trình thủy điện trên địa bàn mới thực sự phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, đảm bảo dòng chảy cơ bản của sông suối về hạ du được ổn định.

Phạm Tuân/Theo Tài nguyên & môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP